Nhiều công ty dầu khí thoái vốn khi PVN tái cấu trúc

(Kinhdoanhnet) - Trong Đề án tái cơ cấu vốn, PVN sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực. Để thực hiện kế hoạch, một số công ty dầu khí sẽ thoái vốn, giảm vốn một phần hoặc toàn bộ từ nay đến hết năm 2015.

PVN giảm tỷ lệ sở hữu tại DPM

PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại DPM từ 61,37% xuống còn 51%. Do nắm quyền sở hữu chi phối, nhiều khả năng PVN sẽ yêu cầu các công ty có hoạt động kinh doanh tốt, có lượng tiền mặt dồi dào trả cổ tức ở mức cao trước khi rút bớt vốn về. DPM là một trường hợp điển hình trả cổ tức cao: 50% cho năm 2012 và 65% cho năm 2013.

Nhiều công ty dầu khí thoái vốn khi PVN tái cấu trúc - Ảnh 1

Trước đó, DPM đăng ký bán 2,6 triệu cổ phiếu trên tổng số 5,13 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm Dầu khí - CTCP (mã PVC). Giao dịch bắt đầu từ 23/4 đến 21/5/2014 theo phương thức khớp lệnh.

Lượng sở hữu của DPM giảm từ 5.133.202 cổ phiếu, ứng với 10,27% cổ phần xuống còn 2.533.202 cổ phiếu. Được biết mục đích của giao dịch là để cơ cấu danh mục đầu tư.

Tuần qua, cổ phiếu PVC dao động từ 16.000 đến 18.200 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo giá chốt phiên ngày 18/4 là 16.000 đồng/cổ phiếu, DPM sẽ thu về 41,6 tỷ đồng sau khi thoái hơn nửa vốn góp tại PVC.

Hiện tại, DPM phải chịu giá khí đầu vào cao hơn mức giá khí được ưu đãi trong các năm trước, nhằm gánh một phần chi phí cho Đạm Cà Mau, vốn đang tạm thời thuộc sở hữu 100% của PVN. Giá cổ phiếu DPM đã giảm mạnh 28% từ đầu năm khi có thông tin về việc tăng giá khí.

GAS giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước

PVN đề xuất phương án giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại GAS xuống 75%. GAS hiện có giá trị vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam và lớn nhất toàn ngành về tổng tài sản và doanh thu. Tổng giá trị của GAS ước đạt gần 10 tỷ USD, tổng tài sản vào khoảng 3 tỷ USD. Trong năm 2013, doanh thu hợp nhất xấp xỉ 65.000 tỷ đồng, giảm gần 4% so với năm 2012, nhưng lợi nhuận ròng đạt 12.400 tỷ đồng, tăng 26% do giá bán tăng nhanh hơn giá đầu vào. Điều này dẫn đến việc giá cổ phiếu GAS tăng liên tục hơn 56% kể từ đầu năm.

Nhiều công ty dầu khí thoái vốn khi PVN tái cấu trúc - Ảnh 2

Doanh thu qúy 1/2014 của GAS đạt 13.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch quý nhưng giảm 27,5% so với cùng kỳ 2013. Do năm 2013 GAS được hoàn nhập quỹ khoa học công nghệ nên lợi nhuận quý 1 tăng cao hơn so với các năm trước, mọi năm tách ra nên không thể so sánh.

GAS cùng với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) là hai công ty được xem là mang về lợi nhuận lớn cho PVN và liên quan chặt chẽ đến an ninh năng lượng quốc gia. Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP, 70% lợi nhuận PVN được chia từ cổ tức của PV GAS sẽ chuyển về ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề xuất giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại GAS từ 96,72% xuống 76,72% nhiều khả năng không được phê duyệt, mặc dù nhu cầu vốn của GAS cũng như PVN là khá lớn và cấp thiết.

Trên TTCK, giá cổ phiếu GAS có xu hướng tăng cao, một phần do động thái mua vào liên tục của các NĐT nước ngoài. Hành động này dường như đón đầu cho việc giảm bớt vốn của Nhà nước tại GAS. Cho tới thời điểm hiện tại, có 54,76 triệu cổ phiếu (2,89%) trong số 62,15 triệu cổ phiếu (3,28%) tự do lưu hành thuộc về các NĐT nước ngoài. Nếu động thái mua vào này tiếp diễn, thì số cổ phiếu GAS tự do lưu hành sẽ sớm thuộc về các NĐT nước ngoài và một số ít tổ chức khác.

PGS thoái vốn và sát nhập

PGS là công ty con của GAS, hoạt động trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm khí. Giá cổ phiếu của PGS đã chứng kiến đợt tăng mạnh khoảng 62% trong năm 2013 và giảm 14% từ đầu năm cho tới nay. Nguyên nhân của việc giảm giá được cho là theo biến động của thị trường và ảnh hưởng của việc tăng giá khí đầu vào cho sản phẩm CNG.

Nhiều công ty dầu khí thoái vốn khi PVN tái cấu trúc - Ảnh 3

Theo Đề án Tái cơ cấu, PGS phải thoái vốn hoặc sáp nhập với các công ty con/công ty liên kết là VT Gas và CNG Việt Nam (PGS sở hữu 55,2% CNG Việt Nam). Tới thời điểm hiện tại, PGS đã mua lại hoàn toàn VT GAS, chỉ còn lại CNG Việt Nam. Các NĐT của PGS và CNG đang băn khoăn trường hợp nào sẽ xảy ra: CNG sáp nhập với PGS hay PGS sẽ thoái toàn bộ vốn trong CNG Việt Nam? Lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ sở hữu mà CNG Việt Nam mang lại cho PGS đóng góp khoảng 38% trong lợi nhuận sau thuế của PGS. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trường hợp PGS thoái vốn hoàn toàn trong CNG Việt Nam nhiều khả năng không xảy ra. Hơn nữa, CNG Việt Nam và PGS cùng nhau chi phối thị phần CNG phía Nam, sáp nhập với PGS sẽ giúp PGS tăng thị phần CNG, là điều có lợi cho cổ đông PGS. Tuy nhiên, điều này có thể gây khó khăn cho PGS về vốn, vì PGS đã bỏ một lượng tiền không nhỏ để mua lại cổ phần trong VT GAS của PTT Thái Lan và nhận lại phần vốn của GAS trong Công ty Bình Khí, nguồn tiền sẽ không còn dồi dào để mua lại CNG.

Nếu sáp nhập và thoái vốn là điều không tránh khỏi thì có khả năng PGS sẽ hoán đổi cổ phiếu với CNG như PVD đã làm với PVDI. Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phủ quyết của GAS. GAS là công ty sẽ quyết định sáp nhập hay không sáp nhập và hơn thế nữa, họ quyết định cả lợi nhuận của PGS và CNG Việt Nam bằng việc tăng giảm giá khí đầu vào cho hai công ty này. Vì vậy, chuyện sáp nhập hay không phải tính đến phương án nào là có lợi cho GAS.

Đây là một trong những cơ hội hiếm hoi cho các NĐT tham gia vào lĩnh vực phân phối các sản phẩm chế biến dầu khí. PV Oil hiện đang nắm giữ 12% thị trường xăng dầu Việt Nam và đang liên tiếp thực hiện chiến lược thâu tóm mở rộng hệ thống phân phối nhằm đạt tới thị phần cao hơn và nắm vai trò chủ đạo trong lĩnh vực phân phối xăng dầu. PV OiI đồng thời là nhà phân phối xăng dầu duy nhất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và sẽ bao tiêu phần lớn sản lượng của các nhà máy lọc hóa dầu trong tương lai. Như vậy, Đề án Tái cấu trúc ngành dầu khí sẽ có sự ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực lên một số cổ phiếu trong ngành, đồng thời mở ra một số cơ hội đầu tư tiềm năng mà các NĐT có thể xem xét.

Thế Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục