Doanh nghiệp khai thác cát vẫn ngang nhiên hoạt động phớt lờ quy định

(Kinhdoanhnet) - Thời gian qua nạn khai thác cát trái phép ngày càng diễn ra phổ biến tại nhiều nơi. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng các “cát tặc” này vẫn ngang nhiên hoạt động khiến cho người dân bức xúc, tiêu biểu là tại các tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương…

Trong thời gian qua tại Thanh Hóa nổi cộm lên sự việc khai thác cát trái phép của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Theo đó tập đoàn này đã thuê tàu ồ ạt hút cát tại các vị trí từ phao số 3 đến số 5 thuộc vùng nước cảng biển Lễ Môn phục vụ cho công tác san lấp sân golf làm ảnh hưởng nặng nề đến giao thông đường thủy, lệch dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ thống rừng ngập mặn và 20ha ngao của nhân dân trong xã Hoằng Châu.

Trong khi đó Tập đoàn FLC mới chỉ được Ủy ban tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương thực hiện khai thác tại khu vực 1 với diện tích 20ha (thuộc vùng nước cảng biển Lễ Môn) và khu vực 2 là cồn cát ngoài biển Đông 40ha để san lấp mặt bằng sân golf.

Mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng đã ngang nhiên đưa hàng chục tàu vào khai thác cát trái phép tại khu vực này.

Vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã lên tiếng yêu cầu Tập đoàn này dừng ngay hoạt động khai thác cát trái phép này. Bộ cũng nêu quan điểm việc khai thác cát của FLC tại khu vực cửa Lạch Hới thuộc vùng nước cảng biển Lễ Môn tỉnh Thanh Hóa là trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát lũ...

Doanh nghiệp khai thác cát vẫn ngang nhiên hoành hành phớt lờ quy định
Doanh nghiệp khai thác cát vẫn ngang nhiên hoành hành phớt lờ quy định.

Không chỉ tại Thanh Hóa, nạn khai thác cát ồ ạt còn diễn ra nhiều nơi khác như tại Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh phúc….

Cụ thể tại nhiều tuyến sông ở Hà Nội, tàu, thuyền không số tham gia khai thác cát khá phổ biến. Chỉ tính riêng trên các tuyến sông Hồng, Đáy, Cà Lồ thuộc địa phận Hà Nội đã có tới 22 điểm khai thác cát. Trong số đó có tới 14 điểm không có phép vẫn hoạt động. Hoạt động khai thác cát trái phép tập trung trên dọc hai tuyến sông Hồng và sông Đuống.

Sông Hồng được cho là địa điểm mà chủ các tàu khai thác cát trái phép nhắm đến nhiều nhất bởi tại đây tập trung một lượng lớn cát đen cho lợi nhuận thu lại cao. Phần lớn các tàu khai thác cát là những tàu có trọng tải, công suất lớn, đối tượng chỉ cần sục vòi rồng xuống nước hút khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ là đã kín cát.

Thời gian qua, tại Hải Dương nạn khai thác cát trái phép trên sông cũng không kém cạnh tại Hà Nội làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của nhân dân hai bên bờ sông. Mặc dù người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương để giải quyết, nhưng đến nay “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động trên các lưu vực sông, khiến người dân bức xúc.

Trên các dòng sông Kinh Môn, Kinh Thầy "cát tặc" đã từng biến kè trị thủy ven bờ thành đảo nổi giữa sông. Trên sông Rạng, "cát tặc" đã "nuốt" trọn một số tuyến kè và phá hủy nhiều hàng tre chắn sóng; trên sông Thái Bình, sông Luộc "cát tặc" đã cuốn phăng hàng trăm ha đất bãi canh tác của nhân dân ở các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Cẩm Giàng…

Tại Vĩnh Phúc, Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết  vừa qua phòng đã tiến hành bắt giữ 3 đơn vị tổ chức khai thác cát trái phép trên Sông Lô, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường thủy nội địa với tổng số tiền 16,8 triệu đồng. Được biết các “cát tặc” đã lợi dụng lúc đêm tối và rạng sáng để tiến hành khai thác cát trái phép tại đoạn Sông Lô thuộc thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô. Đây được coi là thời điểm các lực lượng chức năng buông lỏng và khó kiểm soát nhất.

Thanh Tuyền (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục