Các doanh nghiệp châu Âu gia tăng niềm tin ở Việt Nam

(Kinhdoanhnet) - Sau cuộc khảo sát các chuyên gia châu Âu đã có những đánh giá tích cực về chỉ số kinh tế Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng sau một loạt những biện pháp của chính phủ nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Những tín hiệu đáng mừng

EuroCham vừa công bố kết quả khảo sát về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) lần thứ 15 được thực hiện vào tháng 5/2014. Theo Eurocham, chỉ số BCI đã tăng từ 59 điểm quý trước lên 66 điểm quý này. Đây là chỉ số mà năm 2011 chúng ta cũng đã đạt được trong giai đoạn hưng thịnh của nền kinh tế. Kết quả tích cực này được nhận định là chịu ảnh hưởng khi nước ta đang tham gia các cuộc đàm phán thương mại như Hiệp định FTA EU-VN hay Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (ASEAN)…

Khi được hỏi về ảnh hưởng của FTA sẽ ảnh hưởng mạnh đến các ngành kinh doanh nào, kết quả cho thấy 50% cho rằng ngành thương mại, 33% ngành sản xuất và 10% ngành dịch vụ. Điều này cho thấy, FTA tác động lên các đa dạng ngành nghề khác nhau, không chỉ đơn thuần ngành thương mại.

Trong cuộc khảo sát lần này không chỉ có các DN châu Âu mà hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ VN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh môi trường kinh doanh VN. Đặc biệt là nhóm 5 giải pháp của chính phủ. Nhóm giải pháp này bao gồm:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Trong đó trọng tâm giải quyết các thủ tục còn phiền hà, giảm đến mức thấp nhất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. và đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.

Nhóm giải pháp thứ hai: Kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Nhóm giải pháp thứ ba: Chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt.

Nhóm giải pháp thứ tư: Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường chăm lo cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, lũ lụt không để bị thiếu đói.

Nhóm giải pháp thứ năm: chú trọng rà soát lại các loại thủ tục, nhất là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; tiếp cận vốn; nộp thuế, hoàn thuế...

Với 50,7% DN có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, 42,5% DN sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 6,7% có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% DN có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động được coi là kết quả hết sức khả quan về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Xu hướng tích cực tiếp tục với 81% số lượng doanh nghiệp dự định giữ hoặc tăng mức đầu tư, so với 78% quý trước. Với xu hướng này số lượng doanh nghiệp dự tính tăng nhân sự tiếp tục tăng, từ 48% quý trước đến 55% trong quý này. Trong khi đó số lượng doanh nghiệp dự tính giảm nhân sự cũng giảm so với quý trước còn 11% (so với 15% quý trước).

Chỉ số BCI được giữ vững thể hiện những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, niềm tin của các doanh nghiệp vào hoạt động kết quả kinh doanh. 44% số lượng DN đánh giá khả quan về tình hình kinh doanh duy trì mức ổn định và chỉ có 21%  lượng phản hồi không khả quan.

Chi phí nhân công thấp cũng là được nhận định là lý do chính để khuyến khích các doanh nghiệp thành viên EuroCham đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp châu Âu gia tăng niềm tin ở Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam và EU đang có nhiều triển vọng về đàm phán FTA

Những vấn đề cần cải thiện

Bên cạnh những kết quả đạt được các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý Việt Nam không nên chủ quan và cần tập trung vào mục tiêu lớn là đạt được Hiệp định FTA.

Vấn đề cơ sở hạ tầng và hệ thống pháp luật bị đánh giá là yếu lần lượt với tỷ lệ 75% và 80% khi tiến hàng khảo sát các doanh nghiệp châu Âu.

Về lạm phát các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khi nhận định. Các doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về tỷ lệ lạm phát có thể ra tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức 4,26% vượt qua mức dự đoán 3,68% của các DN châu Âu. Theo HSBC tỷ lện lạm phát của Việt Nam năm 2014 sẽ ở mức 6,5%. HSBC cho rằng, áp lực lạm phát tại VN lại thường có tính chất mùa vụ. Trong những tháng hè sắp tới, đặc biệt là tháng 8 và tháng 9 theo xu hướng sẽ có áp lực lạm phát cao bắt nguồn từ học phí, chi phí sức khoẻ và giá điện tăng cao hơn.

Bên cạnh đó Chính phủ cần lưu ý và giải đáp các vướng mắc mà các DN Châu Âu đang đối mặt. Cụ thể là, khảo sát yêu cầu các DN đánh giá ảnh hưởng của Nghị định 102/2013/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH về việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại VN đến hoạt động kinh doanh của họ, 69% DN phản hồi cho rằng Nghị định trên có ảnh hưởng đáng kể. 50% số DN được hỏi cho biết vấn đề này sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Thủ tục hành chính cũng là điều mà chính phủ Việt Nam cần khắc phục để đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng tiến độ. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho hai năm 2014-2015 là sẽ đạt được các tiêu chuẩn tương đương với các nước ASEAN6 trong “sáu chỉ số hoạt động kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể, thời gian cấp giấy phép kinh doanh sẽ xuống còn 6 ngày, nộp thuế xuống 171 ngày, thực hiện thủ tục hải quan (xuất khẩu là 14 ngày, nhập khẩu 13 ngày), tiếp cận hệ thống điện tối đa 70 ngày, thủ tục phá sản rút ngắn 30 tháng đồng thời hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư, tạo cơ chế về tiếp cận tín dụng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng là việc cần phải làm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong từng ngành, lĩnh vực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 NQ (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục