Top 10 sự kiện BĐS nổi bật năm 2015

(Kinhdoanhnet) - Năm 2015 có thể coi là một năm hết sức đáng chú ý của thị trường BĐS Việt Nam với hàng loạt những bước phát triển mang tính đột phá. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của thị trường bất động sản trong năm vừa qua do bạn đọc Báo Kinh doanh và Pháp luật bình chọn.

1. Luật Kinh doanh BĐS và luật Nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015

Top 10 sự kiện BĐS nổi bật năm 2015 - Ảnh 1
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, ngày 25/11/2015.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, ngày 25/11/2014.. Với nhiều chính sách mang tính đột phá, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015 được kỳ vọng sẽ có tác động mạnh mẽ, tiếp tục tháo gỡ những nút thắt của thị trường BĐS.

Một số quy định đặc biệt đáng chú ý trong Luật Sửa đổi như chủ đầu tư các dự án chỉ được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua dự án BĐS hình thành trong tương lai khi đã có sự bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ đầu tư nếu chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hai bên đã ký kết. Quy định mới này sẽ bảo vệ quyền lợi và tạo được tâm lý an tâm hơn cho người mua nhà trước tình trạng “bán nhà trên giấy” như hiện nay. Qua đó, tạo được niềm tin trên thị trường BĐS, nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển.

2. "Mở cửa" cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Top 10 sự kiện BĐS nổi bật năm 2015 - Ảnh 2
Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) lần này đã nới lỏng các điều kiện cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Cụ thể, đối tượng áp dụng gồm tổ chức, cá nhân người nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, Luật cũng quy định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn.

Đây là một trong những điểm nổi bật nhất của Luật Nhà ở (sửa đổi), đáp ứng được sự mong mỏi của rất nhiều doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Quy định này được cho là sẽ tác động lớn tới thị trường BĐS thời gian sắp tới. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy, Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc cởi bỏ dần những khó khăn đã hạn chế sự thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS Việt Nam trong thời gian qua.

3. Siết chặt hơn hoạt động kinh doanh BĐS

Nhiều quy định mới trong luật Kinh doanh BĐS sửa đổi nhằm siết chặt điều kiện doanh nghiệp được tham gia thị trường như quy định nâng mức vốn pháp định của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản từ mức 6 tỷ đồng hiện tại lên tới 20 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cũng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện để được kinh doanh BĐS - Muốn kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp: Tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập DN hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là DN). Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS có quy mô nhỏ thì không phải lập DN nhưng phải kê khai nộp thuế. Ngoài ra, các quy định về điều kiện để phê duyệt dự án bất động sản, dự án nhà ở cũng được siết chặt... 

4. Bất động sản đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Bất động sản đứng thứ ba về lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm vào kinh doanh bất động sản trong 11 tháng năm 2015 là 2,32 tỷ USD, đứng thứ ba về lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo công bố của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11/2015 cả nước có 1.855 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2014.  Có 692 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,66 tỷ USD, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung trong 11 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,22 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. 11 tháng đầu năm 2015 có sự đột biến về đầu tư là do cấp phép một số dự án có quy mô lớn như dự án SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD tại khu công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh; dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD tại tỉnh Trà Vinh.

5. Tác động của việc nới tỷ giá đến thị trường BĐS

Trước áp lực Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Mỹ có thể tăng lãi suất, trong hai tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) đồng thời tăng tỷ giá thêm 1%. Tính cả hai lần điều chỉnh đầu năm, tỷ giá trần hiện đã cao hơn 5%. Diễn biến này đang trở thành nỗi băn khoăn của không ít doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản.

Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. Theo đó, BĐS vốn được xem là kênh đầu tư yêu thích của người Việt Nam so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, lãi suất tiết kiệm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Các dự đoán về việc tăng lãi suất điều hành của Mỹ đã làm tăng giá đồng USD và làm giảm tính hấp dẫn của vàng, giá vàng đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào đầu tháng 8 vừa qua.

Các nhà đầu tư trong nước có tiền đồng nhàn rỗi sẽ chuyển sang quan tâm tới bất động sản nhiều hơn, đặc biệt là các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời ngay từ việc cho thuê và các cơ hội đầu tư có khoản sinh lời cố định, để giúp họ bảo toàn tài sản trong bối cảnh đồng tiền có thể tiếp tục biến động.

Đồng thời, người nước ngoài có thể ít bị tác động bởi việc giảm giá VND trong các quyết định đầu tư mua nhà, do từ trước khi đồng Việt Nam mất giá gần đây, BĐS Việt Nam đã được coi là tương đối hấp dẫn do giá thấp hơn và tỉ lệ sinh lời cao hơn so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông. Người nước ngoài tại thời điểm này quan tâm nhiều hơn đến các loại hình BĐS được mua và cách thức quy trình để mua hơn là về giá cả, hai tháng kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi mới có hiệu lực.

6. Nới điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà

Top 10 sự kiện BĐS nổi bật năm 2015 - Ảnh 3
Người dân có thu nhập thấp sẽ dễ dàng hơn trong việc vay vốn để mua nhà

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở, khi mua nhà thương mại (kể cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng, sẽ được vay gói 30 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thời gian cho vay hộ gia đình, cá nhân sẽ được tăng lên thành 15 năm thay vì 10 năm như quy định cũ.

Với những quy định mở, thông thoáng hơn dành cho người vay mua nhà, Nghị định này được kỳ vọng sẽ tác động tốt đến tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng. Điều này sẽ giúp cho gói tín dụng ưu đãi sẽ được triển khai nhanh hơn, bên cạnh đó phía người mua nhà cũng như các dự án giá rẻ sẽ đều được lợi.

7. Tạo điều kiện tối đa để người dân có Sổ đỏ

Các quy định về việc cấp sổ đỏ cho người dân trong năm vừa qua cũng được Nhà nước hết sức quan tâm. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở; thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng của chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở. Theo đó, thời gian thực hiện không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. 

Theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới sẽ công khai danh tính những chủ đầu tư chậm cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà trên website của UBND các cấp. Đồng thời, những chủ đầu tư này sẽ không được tiếp tục giao dự án. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, mức phạt cao nhất lên đến 1 tỷ nếu chủ đầu tư không chấp hành.

8. Hàng loạt những dự án BĐS gây "sốt" trên thị trường

Top 10 sự kiện BĐS nổi bật năm 2015 - Ảnh 4
Mở bán Vinhomes Nguyễn Chí Thanh gây "sốt" trên thị trường BĐS Hà Nội

Năm 2015 cũng là năm chứng kiến những bước phát triển đột phá của thị trường BĐS với hàng loạt những dự án bất động sản được chào bán gây "sốt" trên thị trường. Một số dự án có thể kể đến như Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Home City Trung Kính...

9. Những vụ cháy chung cư lớn tại Hà Nội

Top 10 sự kiện BĐS nổi bật năm 2015 - Ảnh 5
Hàng loạt các vụ cháy chung cư lớn tại Hà Nội  khiến dư luận hết sức hoang mang. 

Năm 2015 cũng là năm chứng kiến hàng loạt các vụ cháy chung cư lớn tại Hà Nội. Cụ thể, khoảng 19h ngày 11/10, tại tầng hầm tòa nhà CT4A khu chung cư Xa La, Hà Đông bất ngờ có tiếng nổ lớn, kèm theo đó là một ngọn lửa lớn tạo khói dày đặc bốc lên các tầng cao hơn, khiến hàng trăm người sinh sống tại khu vực này bị mắc kẹt trong chính căn hộ của mình.

Tiếp đó, tại chung cư CT5 Xa La- Hà Đông, Hà Nội, chung cư HH4 Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, tòa nhà CT1 Vimeco (đường Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội)... cũng liên tiếp diễn ra những vụ cháy lớn khiến dư luận hết sức hoang mang. 

Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng nhiều chung cư cao tầng ở Hà Nội vẫn được cấp phép xây dựng dù hồ sơ phòng cháy, chữa cháy chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt. Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho rằng: Đây là tình trạng ngang nhiên vi phạm Luật phòng cháy chữa cháy, buông lỏng quản lý và bất chấp tính mạng, sự an toàn của người dân. 

10. Sự phát triển vượt trội của BĐS phía Nam

Thị trường bất động sản phía Nam đang đón nhận mức thanh khoản tốt nhất trong vòng 4 năm qua. Cho đến hiện tại, tính thanh khoản trên thị trường địa ốc vẫn duy trì ở xu hướng tăng, đặc biệt là những tháng cuối năm. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng tại TP.HCM trong thời gian gần đây với hàng loạt các dự án giao thông có quy mô lớn tại phía Đông đang được triển khai và đưa vào sử dụng như: Đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây, cầu Sài Gòn, Xa lộ Hà Nội, Tàu điện Metro, Đại lộ Đông - Tây…đã kéo theo sự sôi động của hàng loạt các dự án BĐS khu vực này.

Thuỳ Dương - Thu Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục