Tăng giá BĐS: Tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn!

(Kinhdoanhnet) - Nhận định về mặt tổng thể thị trường BĐS cũng có ý kiến cho rằng, nếu cố mua thời điểm này sẽ bị “hớ” do thị trường đang định giá quá cao. Có chăng, mức giá này chỉ có thể duy trì được 1-2 năm rồi sẽ “vỡ”, vì nó vẫn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn.

Tăng giá BĐS: Tiềm ẩn nhiều dấu hiệu bất ổn! - Ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu mua BĐS thời điểm này sẽ bị “hớ” do thị trường đang định giá quá cao

Cụ thể, báo cáo của Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế Tp.HCM cho thấy, lượng vốn đầu tư đổ vào thị trường BĐS hiện nay rất cao, bao gồm cả vốn của chủ đầu tư dự án, vốn huy động trước của người mua, vốn vay Ngân hàng, vốn đầu cơ và tích trữ trong nhà đất. Chính sự thu hút vốn đầu tư vào thị trường BĐS đang dẫn tới những biểu hiện mất cân đối trong định hướng luồng vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế. Mà điều nguy hiểm chính là nguồn vốn đã chôn quá nhiều vào BĐS không chỉ làm thị trường này thiếu lành mạnh mà còn gây bất lợi cho nền kinh tế.

Ông Đặng Hùng Võ đánh giá, khuyết tật lớn nhất của thị trường Việt Nam là chưa đủ khả năng điều tiết mối quan hệ giữa thị trường vốn, thị trường tài chính và thị trường địa ốc. Những lúc BĐS sốt giá và luồng vốn được hút vào BĐS với tỷ lệ khá cao làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Nhưng khi nền kinh tế có biểu hiện lạm phát và chính sách thắt chặt ảnh hưởng ngay tới thị trường BĐS, khiến cho giá giảm mạnh, các nhà đầu tư trở thành con nợ khó đòi, khi ấy hệ lụy dây chuyền rất dễ xảy ra.

Có những dự án nằm ở ngoài trung tâm vẫn rao bán với giá 40-50 triệu đồng/m2 là rất bất hợp lý. Tình trạng bong bóng giá có thể xảy ra nếu lượng cung tiếp tục lớn như hiện nay. Chính vì vậy, việc chọn mua ngay dự án hay chờ đợi giá giảm còn phụ thuộc vào nhu cầu của người mua và cần phải chờ đợi chính sách hoàn thiện các công cụ quản lý sao cho một thị trường công khai minh bạch và phân phối hợp lý…

Mặt khác, theo tổng hợp của các báo cáo thị trường BĐS gần đây, đến năm 2016, thị trường Tp.HCM sẽ có khoảng 50.000 – 60.000 căn hộ được chào bán, trong đó có khoảng 70% căn hộ thuộc phân khúc nhà ở cao cấp. Con số này được các chuyên gia đầu ngành cho là tín hiệu đáng quan ngại vì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam còn thấp, nhưng mặt khác thì khách hàng có nhu cầu và khả năng tài chính lại có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là các dự án đó có thực sự cao cấp hay không, người mua nhà liệu có được hưởng giá trị cuộc sống tương xứng? Bởi không phải căn hộ cao cấp nào cũng có mức giá thành ngang bằng với giá trị cuộc sống thực sự. 

Chuyên gia BĐS Ngô Đình Hãn, CEO của Real Estate Education cho biết: “Hiện tại ở Việt Nam chưa có một tổ chức nào quy định rõ ràng về chuẩn căn hộ cao cấp. Mức chênh lệch giá cả hay cách phân biệt căn hộ trung bình cao và cao cấp trên thị trường rất mơ hồ. Thông thường các CĐT sẽ đầu tư vào căn hộ những giá trị hữu hình và vô hình để gắn mác cao cấp và nâng giá thành sản phẩm. Điều này sẽ khiến cho khách hàng khó phân biệt đâu là căn hộ chuẩn cao cấp hay không, và vì thế, họ thường xác định một dự án cao cấp dựa vào giá thành sản phẩm”.

Thế nhưng, ngay bản thân giá thành một sản phẩm BĐS cũng thiếu tính ổn định bởi chịu sự tác động từ nhiều yếu tố như: giá gốc của CĐT, giá sàn BĐS hay việc giá cả của BĐS bị “đội lên” do thông qua môi giới thứ cấp… Ngoài ra, BĐS còn là một ngành đặc thù chịu tác động bởi chỉ số tiền tệ, giá vàng và những ngành công nghiệp nặng khác. Khi thị trường BĐS “sốt nóng”, một BĐS trung cấp có thể bị đẩy giá lên ngang với một BĐS cao cấp. Do đó, việc xác định một bất động sản cao cấp hay không chỉ dựa vào giá thành là không thể chính xác.

Không chỉ vậy, một số CĐT còn cho rằng, việc tăng giá để khẳng định thương hiệu và giá trị đẳng cấp cũng rất cần thiết, bởi giá trị tiền tệ sẽ đi đôi với cái mác hạng sang. Tuy nhiên, “nước cờ’’ đánh vào tâm lý khách hàng này đã tạo nên giá trị ảo ở phân khúc căn hộ cao cấp. Chính thị hiếu của khách hàng đã tạo điều kiện cho CĐT “giăng bẫy” họ, bởi giá nhà tăng nhưng chưa chắc những tiêu chuẩn cho căn hộ cao cấp đã được đảm bảo.

Chị Nguyễn Mai, một trong những khách hàng đang tìm mua căn hộ cao cấp cho biết: “Tôi được CĐT giới thiệu đây là dự án căn hộ cao cấp thuộc trung tâm thành phố với giá bán khoảng 46 triệu/m2. Nhưng khi tôi nhận nhà thì thấy vị trí thực tế dù nằm tại trung tâm nhưng lại nằm chen giữa những tòa cao tầng khác, nội thất tầm trung, nội khu cũng không được trang bị hiện đại như tôi tưởng”.

Một thực tế cho thấy, hiện nay trên thị trường có hàng loạt các dự án được rao bán, quảng cáo với mác “căn hộ cao cấp”, hoặc hơn thế nữa là “căn hộ cao cấp tiêu chuẩn USA/Singapore/ hạng sang” với giá trên trời. Nhiều khách hàng tin vào quảng cáo rầm rộ lại tỏ ra thất vọng khi phải ngóng theo tiến độ “rùa bò” của công trình, cũng không ít khách hàng phải hụt hẫng khi xem nhà “cao cấp” lúc hoàn thiện.

Do đó, các chuyên gia BĐS cũng đưa ra những tư vấn cho khách hàng là phải thật sáng suốt và tìm hiểu kỹ trước khi mua nhà ở cao cấp. Người mua nhà hiện nay đã tiếp cận được với giá trị thực tế của thị trường căn hộ hay chưa vẫn là câu hỏi khiến nhiều người quan tâm.

Mai Hoa - (Theo Thời báo ngân hàng, Tuổi trẻ)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục