Sốt đất đặc khu tương lai: Nhiều hệ lụy nhãn tiền

Tình trạng sốt đất tại Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong hiện nay không chỉ đẩy nhà đầu tư vào nguy cơ rủi ro cao mà còn gây khó khăn cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp khi giải phóng mặt bằng triển khai dự án theo quy hoạch sau này. Cơn sốt đất ở ba đặc khu kinh tế trong tương lai của Việt Nam với cường độ ngày càng mạnh thêm, lan rộng và chưa có điểm dừng.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, chưa chính thức trở thành đặc khu, song đất nền tại các dự án của Vân Đồn đang có giá giao động 20 – 50 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với trước Tết Nguyên đán năm 2018.

Tại thị trường Vân Đồn, đang có một số hiện tượng đầu cơ, môi giới bất động sản không chuyên đẩy giá tạo giá trị ảo với mức tăng khoảng 5 – 6 lần giá trị so với hai năm trước.

Cơn sốt chưa hạ nhiệt

Tại Phú Quốc, thị trường bất động sản đang diễn biến rất phức tạp, các văn phòng công chứng đất đai liên tục tiếp nhận các hồ sơ mua bán trao đổi đất. Giá đất tại Phú Quốc liên tục tăng nhanh, tới 10 – 20 lần chỉ trong thời gian ngắn. Có lô đất giá 800 triệu đồng, nhưng chỉ sau 3 năm đã lên tới 18 tỷ đồng.

Theo VARs, nhu cầu thực đối với loại hình này chưa có, chủ yếu vẫn là đầu cơ và lướt sóng. Các dự án quy mô nhỏ có mức giá trung bình 4 – 7 triệu đồng/m2. Các dự án có quy hoạch bài bản, quy mô lớn khoảng 10 – 55 ha có mức giá 15 – 25 triệu đồng/m2.

Tại Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) trong quý I/2018 cũng đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội, Sài Gòn, Hạ Long và người dân Nha Trang đi tham khảo hiện trạng và giao dịch mạnh tại các khu vực đất thuộc khu kinh tế Vân Phong.

Các loại đất đều được mua với giá cao, từ đất ven biển, đất thổ cư đến đất nông nghiệp. Trước đây, tại khu trung tâm kinh tế của Bắc Vân Phong giá đất chỉ vào khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi m2 thì nay đã lên cả triệu đồng. Giá đất hiện đang được chào bán cao gấp 2 – 5 lần so với chỉ vài tháng trước đây.

Trước làn sóng tăng giá đất khó kiểm soát tại các địa phương, vừa qua, hầu hết các tỉnh thành này đều đã ra văn bản khuyến cáo người dân tránh mua phải đất trong quy hoạch dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chính phủ và Bộ Xây dựng mới đây cũng chính thức yêu cầu ba địa phương trên tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường, đồng thời thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền.

Sốt đất đặc khu tương lai: Nhiều hệ lụy nhãn tiền - Ảnh 1
Những lời cảnh báo khẩn cấp từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương vẫn được các nhà đầu tư “bỏ ngoài tai”, giao dịch mua bán nhà đất tại đây vẫn liên tục tăng lên hàng ngày, hàng giờ

Rủi ro mua đất khi chưa quy hoạch

Tuy nhiên, những lời cảnh báo khẩn cấp từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương vẫn được các nhà đầu tư “bỏ ngoài tai”, giao dịch mua bán nhà đất tại đây vẫn liên tục tăng lên hàng ngày, hàng giờ.

Ts. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs, cho biết hầu hết các giao dịch mua đi bán lại tại các đặc khu kinh tế tạo nên cơn sốt đất trong thời gian vừa qua đều là các nhà đầu tư lướt sóng, đợi sóng lên cao để bán lại kiếm lời. Song trong nhiều trường hợp, sóng không lên cao mà “mắc cạn”. “Một số nhà đầu tư đến chậm còn là những nạn nhân nặng nề nhất của cơn sốt đất này”, ông Đính nói.

Cơn sốt đất còn gây khó khăn cho các nhà quản lý, nguy hiểm cho các chính sách tài chính và cả những doanh nghiệp khi triển khai dự án theo quy hoạch sau này.

Đơn cử như tại Quảng Ninh vừa qua, trước việc mua đi bán lại đất nền tại Vân Đồn, UBND tỉnh đã có khuyến cáo đến các nhà đầu tư rằng chỉ những dự án được chính quyền cho phép mới được triển khai thực hiện và mua bán trên thị trường.

Đồng thời tỉnh này cũng đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, giữ nguyên hiện trạng quỹ đất để phát triển đặc khu kinh tế, tránh người dân đầu tư vào các lô đất nằm trong quy hoạch.

Theo đại diện công ty JLL Việt Nam, người dân mua những lô đất nằm trong quy hoạch phát triển đặc khu kinh tế sẽ không chỉ gây rủi ro cho chính họ khi dự án triển khai sẽ buộc phải giải phóng mặt bằng mà còn gây khó khăn cho các cấp chính quyền quản lý và cả những doanh nghiệp đầu tư dự án sau này, công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất phức tạp và khó khăn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM, nhận xét các khu vực được xây dựng đặc khu kinh tế hiện chưa có quy hoạch 1/2.000. Sau khi có quy hoạch này, chính quyền địa phương sẽ mời các nhà đầu tư vào thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện dự án.

Do đó, việc người dân tự ý mua bán đất khi chưa có quy hoạch cũng sẽ là trở ngại rất lớn cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sau này.

Để tháo gỡ ngòi nổ của cơn sốt đất, ông Châu nhắc lại bài học từ cơn sốt đất vùng ven Tp. HCM năm trước đồng thời đề nghị Nhà nước và lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, sớm có những cảnh báo người dân tránh đầu tư tại các khu vực chưa có quy hoạch và cần có giải pháp kiên quyết xử lý việc phân lô bán nền trái phép tại các đặc khu này.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục