Nguy cơ... tiếp tục sửa đổi Thông tư 36?

(Kinhdoanhnet) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN để thay thế Thông tư 36 sau một thời gian lấy ý kiến phản hồi cho bản dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thông tư này có thể sẽ phải tiếp tục sửa đổi để phù hợp hơn với thị trường.

 

 

Nguy cơ... tiếp tục sửa đổi Thông tư 36? - Ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, thông tư 36 có thể sẽ phải tiếp tục sửa đổi để phù hợp hơn với thị trường.

 

Theo Thông tư 06 vừa bàn hành, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản chỉ nâng lên 200%, và lộ trình thực hiện bắt đầu từ 1/1/2017. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 trước đây, tỷ lệ này dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%.

Cụ thể, Thông tư mới sửa đổi, bổ sung cách xác định và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với lộ trình phù hợp để kiểm soát rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những biến động tiêu cực trong nước và ngoài nước.

Cụ thể, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016. Sau đó giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 đến 31/12/2017. Từ 1/1/2018 trở đi sẽ xuống còn 40%. Như vậy, nhà điều hành đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn này trong hơn 2 năm.

Một điểm sửa đổi khác nữa là tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%./.

 

Tuy vậy, Thông tư 06 còn ẩn chứa nhiều điều cần lo lắng. Cụ thể như sau: Thứ nhất, mặc dù Thông tư 06 có cách tính tổng vốn, bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2 khá tương đồng với Basel, nhưng phần mẫu số mới chỉ xác định rủi ro tín dụng (việc tăng tỷ lệ quy đổi rủi ro các khoản phải đòi từ kinh doanh bất động sản là một ví dụ), chưa tính đến rủi ro tác nghiệp và rủi ro thị trường (theo chuẩn Basel II).

Thứ hai, Thông tư 06 chưa có bước tiến về khống chế rủi ro tổng thể, mà chỉ đi vào việc khống chế từng chỉ tiêu rủi ro đơn lẻ.Và để khống chế rủi ro tổng thể, Basel khuyến nghị sử dụng tỷ lệ đòn bẩy – là tỷ lệ giữa vốn cấp 1 so với tổng tài sản có chưa cộng với các khoản mục ngoại bảng.

Thứ ba, thanh khoản ngân hàng là vấn đề trọng yếu hơn so với các chỉ tiêu đo lường khác. Do đó, Basel II và III đã tiến tới quy định rất ngoặc nghèo quản trị thanh khoản (chẳng hạn, tỷ lệ khả năng chi trả tăng từ 60% đến 100% từ 2015 đến 2019). Còn Thông tư 06 vẫn giữ nguyên tỷ lệ là 50% và không có kế hoạch gia tăng.

Thứ tư, gia tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề có thể sẽ giúp dòng tín dụng trở nên đa dạng khi thêm một kênh đầu tư được khuyến khích.Nhưng về lâu dài, quy định này chứa nhiều rủi ro và mâu thuẫn với tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Và cuối cùng, nếu so sánh Thông tư 06 và những chuẩn mực của hiệp ước Basel II thì chặng đường để ngân hàng Việt Nam áp dụng còn rất dài và đầy thách thức. Chính vì vậy, đề án thí điểm thực hiện Basel II cho 10 NHTM đến 2018 cần sự quyết tâm hơn nữa.

Như vậy, nếu không có sự nhất quán, theo hướng thỏa hiệp với sự phản đối của thị trường thì, tương tự như trên, rất có khả năng NHNN lại phải thay đổi hoặc trì hoãn áp dụng tỷ lệ 50% vừa mới quy định trong Thông tư 06 ngay trong từ đầu năm 2017 khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục xu hướng giảm nhịp như hiện tại, dẫn đến tăng trưởng cả năm chậm hơn dự kiến, kéo giảm tăng trưởng GDP. Rất có thể NHNN sẽ phải thay đổi, điều chỉnh hoặc trì hoãn áp dụng một số nội dung trong Thông tư 06 vừa mới ban hành thay cho Thông tư 36 trong tương lai gần khi tình hình diễn ra khác với bối cảnh khi xây dựng thông tư này.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Infonet, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục