Lượng khách nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể

(Kinhdoanhnet) - Với sự tăng trưởng kinh tế cùng sự thay đổi trong các chính sách đầu tư bất động sản cho người nước ngoài, nhiều chuyên gia trên thị trường đánh giá, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào bất động sản Việt Nam.

Lượng khách nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể - Ảnh 1
Năm 2016 là thời điểm thích hợp để đầu tư vào bất động sản Việt Nam.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường, JLL Vietnam cho biết, Năm 2015 là một bước chuyển mình của thị trường bất động sản tại Việt Nam và  xu hướng đó sẽ tiếp tục trong năm 2016. Thị trường nhà ở đã có những kết quả tích cực về cả cung và cầu trong năm 2016 ở tất cả các phân khúc của thị trường từ bình dân, trung cấp hay cao cấp, chung cư, biệt thự hay khu nghỉ dưỡng. 

Một trong những sự kiện thành công nhất của năm 2015 là việc ban hành chính sách mới cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Chính sách đã được ban hành vào thời điểm rất thích hợp khi mà các thị trường khác trong khu vực đang trong giai đoạn khó khăn, do đó sự quan tâm của các nhà đầu tư bắt đầu đổ dồn vào Việt Nam. Thị trường đang phát triển và đang trưởng thành với tốc độ nhanh hơn trước đây. Các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án, ngân hàng và các cơ quan quản lý của nhà nước đều tỉnh táo và thận trọng hơn trong mỗi hành động và vai trò của mình.

Không thể khẳng định đây có phải là thời điểm thích hợp để đầu tư vào thị trường bất động sản hay không vì tôi cho rằng việc đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức cũng như sự am hiểu về thị trường của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện nhiều cơ hội cho việc đầu tư phát triển bất động sản. Đã có một số thay đổi tích cực đối với cơ cấu pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán sát nhập, nhờ đó thu hút được nhiều chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, cũng như chính sách cho phép người nước ngoài mua và sở hữu tài sản nhà ở tại Việt Nam. Các quyền của người nước ngoài đối với tài sản cũng tương tự như quyền của người dân trong nước, đó là tài sản có thể được cho thuê, bán, thừa kế và thế chấp cho vay. Bên cạnh đó, thời gian sở hữu sẽ là 50 năm và sau đó có thể gia hạn thêm 50 năm nữa, có thể so sánh được với các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan và Philippines. Môi trường chính trị an toàn, cùng với tăng trưởng kinh tế ổn định là những lợi thế của thị trường Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài có thể cân nhắc và xem xét Việt Nam như một thị trường mới để đầu tư.

Bên cạnh đó, bà Trâm cũng cho biết, từ thời điểm chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chính thức có hiệu lực năm ngoái, số lượng yêu cầu tìm hiểu thông tin mua căn hộ cũng như các giao dịch từ khách mua nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Gần đây, JLL đã thực hiện một chiến dịch quảng bá quốc tế về các dự án nhà ở tại Việt Nam và đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hồng Kong và Nhật Bản. Một số dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rất nhiều khách mua nước ngoài tích cực quan tâm đến dự án của họ nhưng không còn lượng căn hộ dành cho khách mua nước ngoài vì có sự giới hạn nhất định về tỉ lệ người nước ngoài sở hữu bất động sản trên từng dự án. Số lượng khách mua nước ngoài đã đạt đến hơn 1000 căn hộ, so với con số vài trăm trước khi chính sách mới được ban hành.

Những nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt. Các nhà đầu tư trong nước ưu tiên vào việc mua đất phát triển dự án. Có thể nói tất cả các phân khúc trên thị trường đều sẽ được quan tâm xem xét. Tuy nhiên, tôi cho rằng phân khúc nhà ở và văn phòng sẽ gây được nhiều sự chú ý nhất với nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Tuy nhiên, theo bà Trâm đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ trong thời điểm hiện tại như sự thiếu tính minh bạch, quan liêu, tham nhũng, hệ thống pháp lý thiếu hiệu quả, nhiều vấn đề liên quan đến tiền đền bù và giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất và quá trình thương thảo với các đối tác trong nước là những thách thức phổ biến mà hiện tại họ đang phải thường xuyên đối mặt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cơ hội để vượt qua những thách thức này và chúng tôi hy vọng sắp tới môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ được cải thiện hơn. 

Mai Hoa 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục