Hàng nghìn người mua nhà khóc ròng vì dự án chết yểu

Thị trường bất động sản hiện đã hồi phục mạnh mẽ, nhưng hệ luỵ của cuộc khủng hoảng cách đây vài năm vẫn như bóng ma ám ảnh hàng nghìn người mua nhà.

Hàng nghìn người mua nhà khóc ròng vì dự án chết yểu - Ảnh 1
Một án chung cư hiện tại chỉ là bãi đất cỏ mọc um tùm

Vừa tất bật lo cho cậu con trai học đại học, chị Kim Anh vừa quay cuồng với kế hoạch đòi lại tiền góp vốn mua nhà cách đây 7 năm.

Số là, vì ở cách trung tâm Hà Nội 30km nên chị quyết tâm mua một căn hộ gần trường đại học cho con có nơi ăn ở và thuận lợi học hành. Từ lâu chị đã định hướng cho con vào Đại học Kiến trúc nên dự án nhắm đến là chung cư ở Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Vào thời điểm năm 2010, thị trường bất động sản vẫn rất nóng, và những khách hàng như chị ít để ý đến cơ sở pháp lý của dự án. Lúc đó, không mua được trực tiếp từ chủ đầu tư nên chị chấp nhận mua qua nhà đầu tư thứ cấp.  

Không chỉ có chị Kim Anh mà hàng chục khách hàng khác cũng rót tiền vào dự án này thông qua các hợp đồng góp vốn. Mỗi người đóng 30 – 50% giá trị căn hộ, mỗi căn có diện tích từ 69 – 82m2 và với giá 12 triệu đồng chưa VAT. Để mua được căn hộ này, chị Kim Anh phải vay hơn 500 triệu đồng với mức lãi suất cao ngất ngưởng.

Mua phải … vịt trời!

Nhưng ai dè, khi ký xong hợp đồng góp vốn, chị và các khách hàng khác mới té ngửa là dự án mới chỉ tồn tại trên bản vẽ và chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, dự án ngừng triển khai sau khi đã hoàn thành một phần cọc móng. Suốt mấy năm qua, không có dấu hiệu nào cho thấy dự án sẽ tái khởi động.

“Thi thoảng tôi vẫn đi qua khu đất ấy nhưng hiện tại chỉ là bãi đất trống, thậm chí chưa có giấy phép xây dựng, cỏ mọc um tùm. Bây giờ tôi không biết phải làm thế nào. Bán lại không được mà muốn rút tiền cũng không xong” – chị Kim Anh buồn bã cho biết.

Uất ức, phẫn nộ là cảm giác chị phải chịu đựng trong thời gian quá dài khi biết mình bị lừa. Chị và nhóm khách hàng đã tìm đến văn phòng của nhà đầu tư thứ cấp vạ vật cả ngày lẫn đêm nhằm gặp bằng được để đòi tiền nhưng họ trốn tránh trách nhiệm.

Rắc rối hơn, nhà đầu tư thứ cấp này cũng lại hợp tác với một công ty khác, và công ty này cũng không phải là chủ đầu tư của dự án. Vì thế, các khách hàng như vướng phải mớ bòng bong mà không biết đâu là nút thắt để gỡ.

“Cũng có lúc rơi vào đường cùng vì mình cũng đang là con nợ, chị nhờ các người khác đi đòi những cũng bất lực” – chị Kim Anh chia sẻ.

Hàng nghìn người mua nhà khóc ròng vì dự án chết yểu - Ảnh 2

Một thời, chỉ cần bản vẽn lung linh thế này đã chủ đầu tư dễ dàng huy động hàng trăm tỷ từ người mua nhà

Cũng giống như chị Kim Anh, anh Thắng cũng chua chát khi hồi tưởng về quá trình “mua nhà trên giấy” mà mình gặp phải.

Anh cho biết, sau khi tham khảo nhiều dự án anh quyết định mua căn hộ tại B5 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) do liên doanh giữa 2 đơn vị Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội cùng với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất (Housing Group) làm chủ đầu tư.

Theo hợp đồng góp vốn giữa Housing Group với khách hàng, khách hàng đồng ý cho Housing Group vay vốn với tỷ lệ trên 30% giá trị căn hộ, đổi lại khách hàng được quyền mua các sản phẩm của dự án B5 Cầu Diễn.

Sau khi ký hợp đồng vay vốn, những khách hàng như anh Thắng phải bỏ ra số tiền khoảng từ 500 triệu - 1 tỷ đồng vào dự án. Đó chưa kể đến khoản mỗi nhà đầu tư còn phải bỏ ra cả trăm triệu đồng tiền chênh để có quyền mua nhà. Tuy nhiên, sau nhiều năm hàng trăm khách hàng mới tá hỏa bởi dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

“Chúng tôi đã treo băng rôn, biểu tình, kiện cáo… Thậm chí nhiều khách hàng đã làm đơn gửi chủ đầu tư yêu cầu được rút vốn theo đúng điều khoản trong hợp đồng nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được những lời hứa suông” – anh Thắng ngao ngán.

Những sai phạm do huy động vốn ở dự án B5 Cầu Diễn mà bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch Housing Group và từng là Đại biểu Quốc hội – đã bị bắt tạm giam. Bà Nga bị truy tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt 377 tỷ đồng từ khách hàng góp vốn mua nhà.

Hệ luỵ dai dẳng

Câu chuyện của chị Kim Anh, anh Thắng chỉ là một trong số hàng nghìn khách hàng đã bỏ tiền ra để mua nhà… trên giấy. Mấy năm qua 128 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ Tricon Towers từ năm 2009 do Công ty CP Đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư, cũng đã cầu cứu khắp nơi vì dự án mà họ mua phải chỉ là cột sắt hoen gỉ, còn ông chủ của dự án đã trốn ra nước ngoài mà không một lời nhắn gửi.

Không chỉ có B5 Cầu Diễn và Tricon Towers vẫn nằm trùm mền mà vết tích của cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản vẫn hiển hiện khắp nơi. Nhiều dự án “chết lâm sàng” như chuỗi dự án của Vina Megastar, Usilk City, AZ Lâm Viên Complex, Habico Phạm Văn Đồng… vẫn chưa biết đến ngày nào mới hồi sinh.

Và trong khi hàng nghìn gia đình đã hạnh phúc chuyển đến những khu căn hộ mới xây xong thì những khách hàng góp vốn mua nhà từ 7-8 năm trước như chị Kim Anh vẫn ngậm đắng nuốt cay vì mua phải dự án chết yểu.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đăng tải chùm bài về hệ luỵ dai dẳng của cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản diễn ra nhiều năm trước đây.  

Theo Lưu Vân/Diễn đàn doanh nghiệp

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục