Gỡ nút thắt gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng

(Kinhdoanhnet) - Nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc giải ngân ì ạch của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trong suốt hơn 1 năm vừa qua sẽ được thông qua trong thời gian tới.

Gỡ nút thắt gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng - Ảnh 1
Nhiều quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho gói 30.000 tỷ sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Kéo dài thời gian, giảm lãi suất

Trước thông tin nâng thời gian vay lên 15 năm, ngân hàng BIDV (một trong những ngân hàng đang triển khai gói 30.000 tỷ đồng) cho rằng, lãi suất gói tín dụng từ 6% xuống 5% từ tháng 1/2014 là hợp lý; đồng thời, kéo dài thời gian vay lên 15 năm sẽ giảm thêm áp lực lãi suất cho người mua nhà..

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện, thủ tục cho khách hàng cá nhân vay gói 30.000 tỷ đồng đã “mở” hơn, như: Cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, lãi suất cho vay cũng đã điều chỉnh giảm 1%. Tuy nhiên, mức lãi vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.
Ông Minh cũng khẳng định, Bộ Xây dựng đang rất tích cực gỡ nút thắt cho gói 30.000 tỷ đồng. Nếu đề xuất được thông qua, tín dụng giải ngân gói tín dụng sẽ cải thiện đáng kể”.

Mặc dù ngân hàng không gặp khó khăn vốn tuy nhiên, các nhân hàng cũng cần thận trọng khi xét duyệt từng hồ sơ của khách hàng để tránh nợ xấu trong BĐS. Bởi để có lãi suất thấp duy trì trong một thời gian dài, các ngân hàng phải bố trí nguồn vốn trung và dài hạn.

Mở rộng đối tượng cho vay

Lý giải về việc chậm trễ trong công tác giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Nghị quyết 02 quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân thuê, thuê mua nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 được vay gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản phẩm căn hộ chung cư thường phổ biến ở các đô thị lớn; còn đô thị vừa và nhỏ, nguồn cung và nhu cầu phổ biến vẫn là nhà ở riêng lẻ thấp tầng. Do đó, đa số người dân tại các đô thị vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. 

Nhà ở xã hội đang thiếu nguồn cung. Trong khi đó, căn hộ thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thường chỉ có ở dự án xa trung tâm, vị trí không thuận lợi, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định. Đồng thời, cá nhân có đất trong quy hoạch cũng nằm trong đối tượng vay để xây nhà.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, những thay đổi trên chắc chắn sẽ tháo gỡ được nhiều nút thắt trong việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bởi, trong thực tế từ trước đến nay, do vướng các quy định về diện tích và giá bán tối đa; nhiều dự án nhà ở thương mại không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn rẻ buộc phải xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội (với hy vọng tăng thanh khoản, giải quyết tồn kho). Tuy nhiên, việc giải quyết chuyển đổi này không phải dễ dàng.

Hy vọng, việc triển khai những chính sách đã và sắp ban hành sẽ tạo động lực thúc đẩy giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng, tạo điều kiện cho nhiều người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn đối với gói tín dụng này.

Mai Hoa - Tổng hợp theo Tiền Phong, Nhân dân.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục