Công viên Hà Nội: Đẹp không như mơ

Công viên luôn được coi là nơi giao lưu bạn bè, nghỉ ngơi thư giãn của nhiều người nhưng hiện nay đa phần các công viên tại Hà Nội lại đang bị biến dạng nặng nề.

Công viên luôn luôn được ví như lá phổi xanh của đất nước, có một vai trò quan trọng. Nó không những là những nơi nghỉ ngơi thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành mỗi khi mệt mỏi, nóng nực, là nơi giao lưu gặp gỡ bạn bè mà nó còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên thật đáng tiếc bởi hiện nay đa phần các công viên tại Hà Nội không còn giữ được hình ảnh đẹp đẽ này nữa.

Muốn vào chơi phải có vé!

Theo lý thuyết thì công viên được hiểu như là một không gian mở dành cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp đến vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi. Thế nhưng thực tế lại khác xa điển hình tại Hà Nội các nơi như công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, công viên Nghĩa Đô… khách muốn vào chơi thì phải có vé.

Công viên Hà Nội: Đẹp không như mơ - Ảnh 1

Một cổng của công viên Thống Nhất.

Chị Hồng Nhung (ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc nói: “Gia đình tôi đi  hai xe máy tới công viên Thống Nhất chơi, khi vào gửi xe máy (trên vé ghi là 2.000 đồng/lượt gửi xe), nhưng người thu tiền vé xe máy yêu cầu tôi phải nộp 20.000 đồng cho 4 người trong nhà thì mới được vào cổng. Tôi thấy thắc mắc nên hỏi thì được người trông xe giải thích: 4.000 đồng là tiền vé 2 xe máy còn thu 16.000 đồng là vé vào cửa cho 4 người (tức là 4.000 đồng/vé - người lớn và trẻ em thu như nhau)”. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ những ai đến công viên chơi mới bị thu tiền vào cửa. Những người mặc quần áo ở nhà hoặc bộ thể thao vào công viên tập thể dục thì được miễn phí.

Lý do được đưa ra cho việc thu vé vào cửa là công viên cũng là một điểm kinh doanh, đầu tư có thu hồi vốn, chính vì thế cần phải thu vé để có thể thi hồi lại vốn đầu tư. Lý do này liệu có được coi là chính đáng?

Không chỉ mất tiền vé vào cửa, trong công viên có bố trí rất nhiều khu trò chơi cho cả trẻ em và người lớn tuy nhiên muốn được chơi thì người dân lại phải nộp thêm tiền vé trò chơi.

Công viên Hà Nội: Đẹp không như mơ - Ảnh 2
Khu trò chơi dành cho trẻ em trong công viên.

Không dừng lại tại đó việc khi vào công viên chơi khách bị "chặt chém" tiền gửi xe là một điều hầu như thường hay xảy ra. Theo phản ánh, tại công viên Thống Nhất nhân viên thu của khách mỗi xe 7.000 đồng nhưng trên vé trông giữ có ghi giá 2.000 đồng. Khi người gửi xe thắc mắc, nhân viên trông giữ xe trả lời bâng quơ rằng đây là giá chung, khách muốn gửi hay không thì tùy.

Anh Lã Thế Vĩnh, trú tại Phú Đô - Từ Liêm (Hà Nội), người gửi xe tại Công viên Thống nhất cho biết: Trên vé xe ghi mức giá 2000đ nhưng khi thu vé thì nhân viên lại thu gấp nhiều lần giá được ghi trên vé xe.

Trong khi công viên được coi như một nơi công cộng thì việc phải mất quá nhiều thứ tiền để được chơi đang khiến cho nhiều người bức xúc, không đồng tình.

Thảm họa trong các công viên

Công viên bách thú Thủ Lệ luôn là địa điểm vui chơi lý tưởng của nhiều gia đình nhân dịp nghỉ lễ. Với không gian rộng rãi, thoáng mát và đặc biệt là có nhiều loại thú quý hiếm ở đây, nên thu hút được khá nhiều khách đến tham quan và quá tải là chuyện dễ hiểu. Nhưng cảnh các gia đình, khách đến tham quan "dày xéo" lên các thảm cỏ xanh mướt, và "vạ vật" nằm nghỉ luôn ở thảm cỏ, vứt rác bừa bãi trong khi khu vực công viên đã bố trí nhiều thùng rác nhưng hiếm ai có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, đã khiến địa điểm vui chơi nổi tiếng này có phần "xấu" đi đôi chút.

Công viên Hà Nội: Đẹp không như mơ - Ảnh 3

Một góc nhỏ tại công viên Thủ Lệ.

Công viên luôn được coi "lá phổi xanh" của thành phố nơi người dân có thể thư giãn nghỉ ngơi hưởng thụ bầu không khí trong lành. Nhưng hiện nay một số khu vực lại trở thành địa điểm lý tưởng cho hàng quán và đủ các loại tệ nạn.

Ngay tại cổng Công viên Thống Nhất, ở phía đường Trần Nhân Tông, đập ngay vào mắt là hình ảnh bãi đỗ xe tràn lan, một nhà hàng ăn uống, khách ra vào tấp nập. Ở phía cổng công viên trên đường Nguyễn Ðình Chiểu cũng là nơi trông giữ xe lộn xộn. Tại đây các dịch vụ vui chơi, giải trí lành mạnh thì ít thậm chí chẳng ai ngó ngàng tới nó nhưng phải có tới hơn chục quầy bán giải khát, bia hơi hoạt động ầm ĩ, bên cạnh những nhà vệ sinh bốc mùi hôi hám.

Không chỉ có các cảnh tượng lộn xộn, không ít các công viên, vườn hoa, dải phân cách còn là tụ điểm hoạt động của các đối tượng nghiện hút, mại dâm, cờ bạc. Như ở khu vực gần vườn hoa Bác Cổ, vỉa hè đường Láng, Giải Phóng, Ðặng Thái Thân..., ban đêm lại trở thành nơi gái mại dâm đứng lả lơi chờ khách. Nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng người bán hàng rong đeo bám, trộm cắp, trấn lột khách du lịch.

Thêm vào đó việc đường trong công viên có cần thiết phải trải nhựa phẳng lỳ, lát gạch đều nhau tăm tắp, thậm chí người ta còn cho thiết kế cả một ngã tư cho xe cộ tránh nhau như ngoài phố khiến bất bình trong dư luận tăng cao. Những ngày hè nắng nóng những con đường đẹp đẽ này sẽ hấp thụ cái nắng nóng cả ngày và phả lại người đi dạo khiến cho người dân cảm thấy khó chịu.

Những công viên là nơi không thể thiếu trong cuộc sống của người dân tại các thành phố lớn, nơi được coi là lá phổi xanh của đất nước lại đang nằm trong tình trạng đáng báo động, xuống cấp nghiêm trọng. Một phần là do sự quản lý của các cơ quan còn nhiều hạn chế nhưng một phần cũng là do ý thức của người dân quá kém. Trước thực trạng như hiện nay hầu hết các lá phổi xanh của thành phố đang phải gửi lời “kêu cứu” tới người dân, các cơ quan thì việc chung tay góp sức bảo vệ môi trường, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi người dân.

T.T (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục