6 tháng đầu năm 2016: Thị trường BĐS cho thuê kém sôi động

(Kinhdoanhnet) - Mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn từ phía thị trường BĐS cho thuê so với năm 2015, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, sự chuyển biến này là chưa thực sự rõ nét.

Hoạt động thị trường bán lẻ tiếp tục trầm lắng

Nhận định về hoạt động của phân khúc BĐS bán lẻ trong quý 2/2016, báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt khoảng 1,2 triệu m², tăng 4% so với quý trước và 22% so với cùng kỳ năm trước. Ba dự án mới gia nhập thị trường Thăng Long Victory (Tòa T1), Thăng Long Garden và Victoria Văn Phú cung cấp khoảng 48.000 m².

Tỷ lệ lấp đầy bình quân giảm -5,9 điểm % theo quý và -1,6 điểm % theo năm. Tỷ lệ lấp đầy của trung tâm bách hóa tăng 0,2 điểm % theo quý trong khi cả trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ đều giảm lần lượt -5,4 điểm % và -15,8 điểm % theo quý.

Theo khảo sát của Savills tiến hành trên mười lăm trung tâm thương mại và trung tâm bách hóa tại Hà Nội, ngành thời trang chiếm 49% tổng diện tích, tiếp đến là ngành thực phẩm & nước giải khát với 24%. 

6 tháng đầu năm 2016: Thị trường BĐS cho thuê kém sôi động - Ảnh 1
Tỷ lệ lấp đầy tại phân khúc bán lẻ trong quý 2/2016 bình quân giảm -5,9 điểm % theo quý và -1,6 điểm % theo năm

Về phân khúc thị trường này, CBRE cũng cho rằng, việc thu hút khách thuê chủ chốt đang ngày đóng vai trò quan trọng cho thành công của một trung tâm thương mại. Nếu như trước đây các trung tâm thương mại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực mua sắm, thì trong thời gian gần đây, các hạng mục vui chơi, giải trí, ăn uống đang trở nên phổ biến hơn. Bên cạnh đó, siêu thị cũng trở thành một hạng mục thiết yếu trong các trung tâm thương mại. Số lượng các siêu thị đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là các tên tuổi lớn như Co.op mart (từ 50 siêu thị cuối năm 2010 tăng 84 siêu thị), Vinmart (mở rộng 50 siêu thị trong hơn 2 năm), Big C (từ 12 siêu thị cuối năm 2010 tăng 33 siêu thị), Lotte mart (14 siêu thị).

Báo cáo về “Kế hoạch mở rộng của các nhà bán lẻ quốc tế trong năm 2016” của CBRE nhận định “Xu hướng lạc quan một cách thận trọng, với đa số nhà bán lẻ (67%) muốn mở không nhiều hơn 20 cửa hàng trong năm nay. Mối quan tâm lớn nhất bao gồm: Tăng giá bất động sản, kinh tế không minh bạch, không có nguồn cung bán lẻ chất lượng. Loại hình bán lẻ ưa thích là nhà phố thương mại và trung tâm thương mại”.

Thị trường văn phòng vẫn đang trên đà phục hồi

Khả quan hơn so với phân khúc BĐS bán lẻ, thị trường văn phòng cho thuê đang xuất hiện nhiều dấu hiệu phục hồi rất đáng ghi nhận. Theo Báo cáo của Savills cho biết, trong quý 2/2016, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội tăng 1,4% theo quý và 9,4% theo năm. Trong nửa cuối năm 2016, hai dự án mới sẽ gia nhập thị trường, cung cấp khoảng 47.000m².

Trong đó, so với quý trước, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình tại tất cả các hạng đều tăng. Giá thuê hạng A và B đều tăng 0,6% theo quý; hạng C tăng mạnh, 3,7% theo quý. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hạng A giữ nguyên so với quý trước, hạng B tăng 3,1 điểm %, hạng C tăng 0,9 điểm %. 

Trong thời gian tới, nhiều tòa nhà văn phòng với diện tích lớn đang tích cực hoàn thiện để chuẩn bị ra mắt thị trường sẽ tiếp tục gia tăng nguồn cung văn Phòng của cả hạng A và hạng B. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho giá thuê, đặc biệt đối với văn phòng hạng B với 72% nguồn cung trong 3 năm tới tập trung ở phân hạng này. Mặc dù vậy, giá chào thuê tại các tòa nhà chất lượng, ở vị trí thuận lợi và được quản lý tốt sẽ vẫn giữ ở mức tốt do nhu cầu đối lớn đối với các tòa nhà này.

Mai Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục