Quy định bán nhà cho người nước ngoài: Chờ hướng dẫn đến bao giờ?

(Kinhdoanhnet) - Luật Nhà ở sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, trong đó có những quy định mới được coi là mở rộng cánh cửa để người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài và người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thế nhưng đến nay, theo nhiều đơn vị tư vấn BĐS, số người nước ngoài đến các sàn giao dịch BĐS mới dừng ở tìm hiểu dự án.

Quy định bán nhà cho người nước ngoài: Chờ hướng dẫn đến bao giờ? - Ảnh 1
Nhiều vấn đề phát sinh trong quy định bán nhà cho người nước ngoài chưa được đề cập trong luật, trong khi đó, thông tư hướng dẫn vẫn chưa được ban hành mặc dù luật đã có hiệu lực.

Trước khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thường phải thông qua người Việt Nam đứng tên BĐS. Trong khi đó, Việt kiều muốn sở hữu nhà ở trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Thống kê trong 5 năm qua (2009-2014), chỉ có hơn 400 người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài sở hữu nhà ở trong nước, rất ít so với số lượng người có nhu cầu. Đây cũng là một trong những lý do để soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi với những quy định mở để Việt kiều và người nước ngoài mua nhà. 

Tuy nhiên, ngay cả khi đã gần 3 tháng kể từ khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, những nút thắt liên quan đến chính sách mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều, sự chậm trễ ban hành, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn đang là những cản trở rất lớn đối với người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. 

Sự chậm trễ này nguyên do là còn nhiều vấn đề phát sinh chưa được đề cập trong luật, trong khi đó, thông tư hướng dẫn vẫn chưa được ban hành mặc dù luật đã có hiệu lực. Những thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa; quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án bất động sản là kiều bào vẫn chưa có; cơ sở dữ liệu thiếu và yếu; phương thức thanh toán cứng nhắc (chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở)...

Đơn cử như việc người nước ngoài được sở hữu nhà có thời hạn 50 năm. Song, nếu người mua vì lý do nào đó chỉ ở 20 năm và chuyển nhượng nhà cho người khác thì người đó được sở hữu bao nhiêu năm? 30 năm còn lại hay tiếp tục chu kỳ 50 năm mới? Rồi khoản tiền sau khi bán nhà có được đưa ra khỏi Việt Nam hay không?

Cũng theo các công ty bất động sản , điều làm nhiều người nước ngoài cảm thấy lo ngại nhất là về thời hạn sở hữu căn hộ. Theo Luật, họ được sở hữu trong 50 năm. Sau thời gian đó, số phận căn hộ sẽ như thế nào? Hoặc nếu họ chỉ ở 30 năm, người mua tiếp theo sẽ sở hữu trong bao lâu? Luật sư Bùi Đức Giang cho biết, tuy chưa có hướng dẫn chi tiết, nhưng Luật đã quy định khá cụ thể về các vấn đề này.

Luật sư Bùi Đức Giang - Giám đốc Công ty Luật DGI chia sẻ: “Nếu bán cho người khác là người nước ngoài, chủ mới vẫn được sở hữu 50 năm, còn người Việt Nam sẽ được sở hữu lâu dài. Trước khi hết hạn 50 năm, họ có thể được gia hạn tiếp. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay chính là thủ tục".

Theo thông tin mới nhất từ đại diện Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, trong đó có các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà, hiện đang lấy ý kiến từ các thành viên Chính phủ. Dự kiến đến tháng 10/2015 sẽ ban hành. Giới kinh doanh bất động sản đang kỳ vọng việc có văn bản hướng dẫn sẽ là lực đẩy giúp con số người nước ngoài mua được nhà tại Việt Nam tăng lên trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho rằng chúng ta khoan hãy nói về việc hai bộ luật liên quan đến BĐS sắp có hiệu lực sẽ tạo đà mạnh cho thị trường phát triển. Khi nói đến luật thì chúng ta cần nhiều thời gian để chờ các quy định, văn bản dưới luật ra đời. Các cơ quan quản lý cũng cần có thời gian để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, tín hiệu từ thị trường để có được những chính sách phù hợp.

Chẳng hạn như, Luật Nhà ở là Việt Nam đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà dài hạn. Điều này có thể sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần. Tuy nhiên, Việt kiều hay người nước ngoài hiện vẫn còn tâm lý chờ đợi là chính vì chưa rõ các quy định hướng dẫn thi hành các Luật trên như thế nào. Nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể, thị trường BĐS sẽ khó có thể phát huy hết tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Một đơn vị tư vấn BĐS cho biết, tính từ khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, số người nước ngoài có nhu cầu muốn hỏi về sản phẩm BĐS tăng 20-30%, nhưng vì phải chờ hướng dẫn nên gần như chưa có giao dịch. Chuyện luật phải chờ văn bản hướng dẫn không mới, thậm chí đã nói nhiều, vì vậy mong cơ quan quản lý sớm hoàn tất thông tư, đừng để văn bản hướng dẫn ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo HNM, VTV)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục