Thực trạng xuống cấp tại KĐT Văn Quán: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Kinhdoanhnet) - Trong một bài báo gần đây, Báo Kinh doanh và Pháp luật đã đưa tin phản ánh về thực trạng xuống cấp nghiêm trọng tại Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là: Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

 

Thực trạng xuống cấp tại KĐT Văn Quán: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1
Ban quản trị dẫu có cũng chưa thể hoạt động. 

Qua điều tra tìm hiểu, xác minh thông tin, chúng tôi được biết, cả hai cụm nhà chung cư tại Khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc đều đã được thành lập ban quản trị. Cụ thể, UBND Quận Hà Đông đã ban hành quyết định số 1885/QĐ-UBND ngày 28/3/2014 và quyết định số 2129/QĐ-UBND ngày 31/3/2014, công nhận Ban quản trị cụm nhà chung cư CT3&7 AB (CT3A, CT3B, CT7A, CT7B) và Ban quản trị cụm nhà chung cư CT1&2 AB (CT1A, CT1B, CT2A, CT2B) tại khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.

Như vậy, nếu chiếu theo quy định của pháp luật, việc để xảy ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cộng với đó là sự ngang nhiên lấn chiếm hành lang để kinh doanh buôn bán của các cửa hàng tại khu đô thị này có liên quan đến trách nhiệm của Ban quản trị hai cụm nhà chung cư đã được UBND quận Hà Đông phê duyệt. 

Cụ thể, tại điều 71 và 72, Luật nhà ở năm 2005; Điều 12 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng và Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội số 01/2013/QĐ-UBND đã quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Ban quản trị nhà chung cư. 

Theo đó, Ban quản trị có trách nhiệm “Kiểm tra, theo dõi giám sát việc sử dụng, bảo hành, bảo trì nhà chung cư theo quy định; Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong nhà chung cư được giao quản lý” (Điều 72, Quyền và trách nhiệm của Ban Quản trị, Luật nhà ở 2005. 

Tuy nhiên, trong khi, hàng vạn hộ dân tại các khu đô thị khác của Hà Nội đang “khốn khổ” vì không có Ban quản trị thì ở khu đô thị này, câu chuyện lại xảy ra theo hướng ngược lại. Người dân có Ban quản trị vẫn “khổ” không kém vì Ban quản trị lập ra cũng chẳng khác nào “bù nhìn” vì không thể hoạt động. 

Qua trao đổi với Ban quản trị của hai cụm nhà chung cư CT3&7 AB và CT1&2 AB, chúng tôi được biết. Mặc dù, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định thành lập Ban quản trị 2 cụm nhà chung cư từ tháng 3 năm 2014, tuy nhiên, cho đến nay, Tổng Công tư đầu tư và phát triển Nhà ở và Đô thị (HUD) vẫn chưa bàn giao cho Ban quản trị Bộ hồ sơ nhà, quỹ bảo trì, và bàn giao hệ thống kế cấu hạ tầng bên ngoài toà nhà chung cư cho cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, Ban quản trị của hai cụm nhà chung cư đã có kiến nghị gửi Tổng Công ty đầu tư phát triển Nhà ở và Đô thị (HUD) từ tháng 4/2014, ngay sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị hai cụm nhà chung cư CT3&7 AB và CT1&2 AB của UBND quận Hà Đông. Tuy nhiên, đến nay, bên phía Tổng công ty đầu tư phát triển Nhà ở và Đô thị vẫn chưa có câu trả lời?

Hiện Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS), công ty thành viên thuộc Tổng Công ty đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD), vẫn đang nắm giữ quyền khai thác vận hành và quản lý khu đô thị khu đô thị này trong khi Ban quản trị đã được UBND quận và Tổng Công ty đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) công nhận cách đây đã hơn 4 tháng? 

Báo Kinh doanh và pháp luật sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc này.

Thu Phương – Minh Lý.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục