Nhà ở xã hội Bright City: Nguy cơ mất trắng vì chủ đầu tư…phá sản?

Hơn 450 tỷ đồng của 700 khách hàng “đổ” vào dự án nhà ở xã hội (NƠXH) AZ Thăng Long (Bright City) có nguy cơ “chết yểu” khi Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thuộc Công ty CP Bất động sản AZ (AZ Land) mất khả năng tài chính.

Hơn 450 tỷ đồng của 700 khách hàng “đổ” vào dự án nhà ở xã hội (NƠXH) AZ Thăng Long (Bright City) có nguy cơ “chết yểu” khi Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thuộc Công ty CP Bất động sản AZ (AZ Land) mất khả năng tài chính.
Trước động thái đòi tuyên bố phá sản của chủ đầu tư, hàng trăm người mua nhà như “ngồi trên đống lửa” bởi nguy cơ mất nhà, mất tiền hiện hữu.
Khách hàng bị động hoàn toàn
Tại đơn kiến nghị khẩn gửi đến báo Kinh tế&Đô thị, ông Hà Duy Hoan, đại diện nhóm cư dân mua nhà dự án NƠXH Bright City (Kim Chung, Hoài Đức), cho biết: “Theo hợp đồng, nhà sẽ được bàn giao vào quý IV/2017. Tuy nhiên, hiện tại, công trường vẫn ngổn ngang, thậm chí dừng hẳn thi công. Trong khi đó, sau khi gói 30.000 tỷ đồng cho NƠXH kết thúc (tháng 6/2016), hàng trăm hộ gia đình phải chấp nhận lãi suất 12%/năm và hiện đã thanh toán hơn 70% giá trị căn hộ. Nay chủ đầu tư tuyên bố: “Các anh, chị kiện cũng đành chịu, Công ty buộc phải tuyên bố phá sản, chúng tôi không biết phải làm sao…”!.

Nhà ở xã hội Bright City: Nguy cơ mất trắng vì chủ đầu tư…phá sản? - Ảnh 1
Tại buổi họp sáng 19/3, đại diện chủ đầu tư cho biết nhiều khả năng sẽ tuyên bố phá sản


Diễn biến mới nhất vào sáng 19/3, trong cuộc đối thoại ba bên giữa Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Hà Nội (đơn vị cho vay vốn theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng), chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long và nhóm khách hàng, sự bất lợi vẫn nghiêng về phía cư dân. Liên quan đến động thái chủ đầu tư đơn phương đòi thanh lý hợp đồng, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Tây Hà Nội Vũ Trung Tùng khẳng định, phía BIDV chưa được Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long trao đổi thông tin này.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cho biết, từ sau cuộc họp với cư dân vào ngày 14/3, Công ty chưa có thời gian để thông báo cho các bên. Do đó, Ban lãnh đạo Công ty mong muốn một cuộc gặp thống nhất lại mọi vấn đề vào ngày 28/3 tới.
Trước đó, theo phản ánh của cư dân, vào ngày 14/3, Chủ tịch HĐQT công ty AZ Land Bùi Viết Sơn đã triệu tập gấp cuộc họp với nhóm khách hàng. Tại buổi làm việc, ông này cho biết, Công ty mất khả năng tài chính do cơ chế vay nguồn vốn với Ngân hàng BIDV Tây Hà Nội không được thực hiện (gói 30.000 tỷ đồng kết thúc). Chủ đầu tư vì thế sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng đã ký với khách hàng (tiền góp + lãi theo hợp đồng mua bán). Sau đó, tuyên bố phá sản, để Ngân hàng BIDV phát mại tài sản.


Việc chủ đầu tư dự định thông báo phá sản, khiến hàng trăm khách hàng đặt ra câu hỏi: “Họ cần phải làm gì để đảm bảo tài sản của họ không mất đi?”. Về nguyên tắc, khách hàng không mất trắng tài sản, nhưng việc đòi lại được bao nhiêu lại phụ thuộc vào giá trị tài sản của DN sau khi thanh lý. Chính điều này khiến cho hàng trăm khách hàng của dự án NƠXH Bright City đang đứng ngồi không yên khi rơi vào thế bị động.
… lại ôm nhiều rủi ro?
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng, khi DN bất động sản bị phá sản, khách hàng không có quyền ưu tiên gì. Nợ khách hàng cũng giống như nợ thuế, nợ ngân hàng, nợ chủ thầu, thậm chí nợ khách hàng còn rủi ro hơn nhiều, do bất động sản thường được chủ đầu tư thế chấp hết cho ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng là đối tượng không có quyền sở hữu, không có quyền ưu tiên, không có quyền bảo đảm (không có chứng thư bảo lãnh).
“Để dự án này đi đến nước phá sản, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người dân của dự án đó, mà còn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Số đông khách hàng vẫn tập trung vào các dự án NƠXH do phù hợp với thu nhập. Nay, khách hàng “è” cổ trả lãi suất thương mại (10 - 12%/tháng) khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc mà…nhà vẫn không có, sẽ là cú sốc lớn đối với thị trường.” - luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Ở góc độ pháp lý, giới luật sư đều cho biết, về nguyên tắc, khi DN phá sản, toàn bộ tài sản sẽ bị phát mại. Giá trị tài sản ưu tiên trả cho các chủ nợ có bảo đảm trong trường hợp sổ đỏ đã được thế chấp cho ngân hàng (chủ nợ có bảo đảm). Nếu còn kinh phí, mới đến lượt khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn, mua bán nhà (chủ nợ không có bảo đảm). Miếng bánh dành cho chủ nợ không có bảo đảm còn rất nhỏ, thậm chí bằng 0.
Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, chủ đầu tư dự án NƠXH Bright City chưa báo cáo về Sở vấn đề thanh lý hợp đồng với nhóm khách hàng hay thông tin phá sản. Riêng việc dự án chậm tiến độ, Sở Xây dựng cũng đã nhiều lần kiểm tra và nhắc nhở chủ đầu tư. Tuy nhiên, với những cam kết của mình, chủ đầu tư liên tục xin gia hạn.

Theo công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam – nhà thầu tại dự án NƠXH Bright City, số tiền nợ đọng tại dự án lên đến 136 tỷ đồng. Do chủ đầu tư liên tục trì hoãn thanh, quyết toán, công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam đã dừng thi công dự án từ ngày 24/1/2018. "Thông tin xấu liên quan đến dự án này dồn dập đến, khiến chúng tôi vô cùng bất an. Hết chậm tiến độ, đến cụt vốn, nay nhiều khả năng bị phá sản, trong khi khi chủ đầu tư vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng cho khách hàng”. - Anh Phạm Đức Tĩnh - người mua nhà dự án NƠXH Bright City

Theo Kinhtedothi 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục