Nhà 12 tỷ, bán chênh 18 tỷ: Biến điều vô lý thành có lý và nỗi oan khó nói của nhà đầu tư thứ cấp!

Câu chuyện dự án Belleville Nam Trung Yên bán chênh hàng chục tỷ đồng mỗi căn nhà phố có dấu hiệu trốn thuế và việc Hà Nội để thất thu ngân sách 6.000 tỷ, cho thấy chế tài xử lý chưa nghiêm khiến việc “lách luật”, biến điều vô lý thành có lý của doanh nghiệp vẫn diễn ra phổ biến.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014.

Theo đó, đoàn chỉ mới thanh tra ở một số dự án chọn mẫu, gồm 38/204 dự án (với tỷ lệ 18,62%), đã phát hiện những bất cập liên quan đến việc xác định giá tiền xử dụng đất, làm lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu khoảng 6.000 tỷ.

Con số thất thoát này dường như vẫn chưa tính đến thất thoát từ các dự án bán giá chênh (một hành vi trốn thuế), vốn là hiện tượng xảy ra phố biến trên thị trường, tại rất nhiều dự án từ hàng chục năm nay.

Nhà 12 tỷ, bán chênh 18 tỷ: Biến điều vô lý thành có lý và nỗi oan khó nói của nhà đầu tư thứ cấp! - Ảnh 1
Nhiều dự án trên thị trường thời gian qua bán chênh tiền tỷ mỗi sản phẩm, đường hoàng trốn thuế, vì đã biến điều vô lý, thành có lý?


Việc Hà Nội để thất thoát số tiền lên đến 6.000 tỷ đồng, là số tiền khổng lồ, dù số lượng dự án thanh kiểm tra chỉ là 38 “dự án mẫu” (trên tổng số 204 dự án). Nếu chia đều bình quân, mỗi dự án bị thanh tra, nhà nước bị thất thoát khoảng 150 tỷ đồng.

Con số thất thoát kể trên là quá lớn, nhưng nếu so sánh với một dự án “tí hon”, chỉ với 66 sản phẩm, nhưng bằng việc bán chênh, đã rơi vào một nhóm hưởng lợi bỏ túi cả trăm tỷ đồng mà không phải đóng đồng tiền thuế nào, mới thấy số thất thu thanh tra Chính phủ công bố tại 38 dự án vẫn còn quá nhỏ.

Cụ thể, theo điều tra của phóng viên VTV, dự án Belleville Nam Trung Yên của Vimefulland thời gian qua được bán ra thị trường với mức giá 12 tỷ đồng mỗi căn shophouse, nhưng để mua được sản phẩm, khách hàng phải đóng thêm khoảng 18 tỷ đồng tiền chênh.

Như vậy, chỉ với 66 sản phẩm chào bán, doanh nghiệp có thể bỏ túi gần 1.000 tỷ đồng, nhưng khoản tiền chênh mà không có trong sổ sách kia rơi vào tay ai? Điều này tương đương ngân sách của nhà nước bị thất thu không hề nhỏ do không thu được thuế từ khoản chênh dự án này.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Đỗ Việt, việc bán bất động sản có giá chênh khá xưa cũ, nhưng hiện vẫn được nhiều chủ đầu tư áp dụng, vì nó giúp chủ đầu tư biến cái vô lý thành có lý.

Ông Việt lấy dẫn chứng tại dự án shophouse trên đường Nguyễn Chánh, Hà Nội, với giá gốc 12 tỷ, nhưng tiền chênh ngoài hợp đồng lên đến 18 tỷ như báo chí phản ánh thời gian gần đây là một ví dụ điển hình.


Ông Việt đặt giả sử giá thành 8 tỷ/căn (đã bao gồm giá đất, chi phí xây dựng hạ tầng, chi phí xây nhà hoàn thiện mặt ngoài đã trừ diện tích đất dùng cho công viên và giao thông), giá ký hợp đồng 12 tỷ/căn thì chủ đầu tư phải nộp thuế TNDN 800 triệu/ căn (tương đương 20%). Nhưng tính theo giá thị trường 30 tỷ/ căn, giá bán ra khoảng 28 tỷ, thì doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN là 3,6 tỷ/căn.

Trong trường hợp doanh nghiệp bán theo đường “đối ngoại”, duyệt cho ai đó mua giá gốc hoặc giá nào đó dưới giá thị trường, thì coi như đã biếu nhau cả chục tỷ đồng.

Còn đối với người mua nhà, nếu ký hợp đồng giá 12 tỷ/căn, khách hàng chỉ phải trả thuế GTGT là 1,2 tỷ đồng (10%). Song, nếu phải ký hợp đồng giá 28 tỷ/căn thì thuế GTGT sẽ là 2,8 tỷ đồng .

Theo ông Việt, tại nhiều dự án bán tiền chênh hàng tỷ đồng, nhiều người vẫn cho rằng trung gian ăn hết, chênh thế nên nhà đầu tư thứ cấp mới giàu.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, nhận định này là oan cho trung gian, vì thực tế họ không kiếm được nhiều đến thế. 

Câu chuyện tiền chênh hàng chục tỷ đồng mỗi căn nhà phố vào túi ai và việc xử lý hành vi trốn thuế từ khoản tiền chênh ra sao, vì thế, rất cần sự vào cuộc của cơ quan cảnh sát điều tra, lẫn thanh tra ngành thuế.

Theo Vnfinance.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục