Nghi vấn về khoản lợi nhuận khổng lồ của CT Bất động sản Viettel

Có hay không việc Công ty Bất động sản Viettel sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ với con số hàng chục tỷ đồng?

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Công ty Bất động sản Viettel (thuộc Tập đoàn viễn thông Quân đội - Viettel) cùng đơn vị liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan chứng minh khoản lợi nhuận 38,4 tỷ đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của số liệu này theo quy định của pháp luật. Khi tiếp nhận thông tin từ Kết luận thanh tra, nhiều bạn đọc đã đặt ra nghi vấn về "khoản lợi nhuận khổng lồ" này.

Vi phạm trong xây dựng

Theo kết luận từ phía Thanh tra Chính phủ, nhà chung cư CT2 – Trung Văn (thuộc quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) được xem là “vị trí vàng”. Khi thực hiện Dự án, đã có nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước thay nhau đầu tư vào. Tuy nhiên, đằng sau căn nhà cao đẹp đó là những “sai phạm”, “thua lỗ”, “nợ tiền đất”... với số tiền “khủng” lên đến hàng chục tỉ đồng.

Mới đây, khi vạch trần sai phạm tại các dự án trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã không ngần ngại chỉ ra những góc khuất đó.

Nghi vấn về khoản lợi nhuận khổng lồ của CT Bất động sản Viettel - Ảnh 1
Nhà chung cư CT2 – Trung Văn (thuộc quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội)

Năm 2007, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội cùng Công ty Daewon Co.Ltd và Công ty Jayoung Co.Ltd cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH phát triển nhà Deawon-Hancic. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội góp 30% vốn điều lệ, bằng quyền sử dụng lô đất CT2, tương đương 30,7 tỷ đồng.Theo đó, lô đất CT2 có diện tích 8.926m2 được xây dựng thành khu chung cư cao cấp, ban đầu do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư.

Năm 2009, Công ty Daewon và Công ty Jayoung đã chuyển nhượng 70% vốn điều lệ và nghĩa vụ tại Công ty TNHH phát triển nhà Daewon - Hancic cho Công ty Bất động sản Viettel (công ty nhà nước) với giá chuyển nhượng khoảng 146 tỷ đồng. Sau đó, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Phát triển nhà Viettel - Hancic.

Cũng trong năm đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty TNHH phát triển nhà Viettel - Hancic cho Công ty Phục Hưng Holdings. Cuối cùng, đến năm 2014, Tập đoàn viễn thông Viettel ban hành Quyết định về chuyển nhượng toàn bộ 70% vốn góp cho Công ty Phục Hưng Holdings, giá chuyển nhượng là 86 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cho biết thêm, tổng mức đầu tư xây dựng nhà chung cư trên lô đất CT2 là hơn 1.042 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ 2007-2014. “Thực tế chủ đầu tư đã xây dựng công trình trên diện tích 3.264m2, tăng so với quy hoạch được phê duyệt 592m2 với 26 tầng, tổng diện tích sản xây dựng 67.266m2 tăng so với quy hoạch 13.231,7m2 là vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 36 Luật xây dựng năm 2003”.

Do đó, Thanh tra Chính phủ xác định số tiền chủ đầu tư phải nộp bổ sung là 26,8 tỷ đồng. Đồng thời, diện tích tầng 1 của tòa nhà không bàn giao lại cho thành phố do vậy chủ đầu tư phải nộp bổ sung tiền sử dụng tầng 1 với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng.

Cũng theo Kết luận thì trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND TP Hà Nội, các Sở: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng, TN&MT, Quy hoạch – Kiến trúc và chủ đầu tư.

Kinh doanh thua lỗ, mập mờ lợi nhuận?

Liên quan đến quá trình đầu tư và lợi nhuận của Công ty Bất động sản Viettel khi đầu tư vào Dự án, Kết luận nêu: “Theo tài liệu và kết quả làm việc trực tiếp của Đoàn thanh tra thu thập được từ Công ty Bất động sản Viettel cung cấp, từ năm 2009-2014 đã nhận được 19,3 tỷ đồng lợi nhuận”.

Trước đây, khi đầu tư vào Dự án, tổng giá trị cổ phiếu là 146 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2014 khi thoái vốn toàn bộ giá trị cổ phiếu còn 86 tỷ đồng, giảm 60 tỷ đồng. Do đó, Thanh tra kết luận: “sau 5 năm kinh doanh, Công ty Bất động sản Viettel dùng vốn của doanh nghiệp nhà nước để góp vốn đầu tư kinh doanh Dự án CT2, khi thoái vốn lỗ với số tiền 40,6 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, Kết luận cũng cho biết thêm: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc xem xét ý kiến giải trình của Bộ Quốc phòng. Ngày 19/5/2017, Thanh tra Chính phủ làm việc trực tiếp với Tập đoàn Viettel.

Nghi vấn về khoản lợi nhuận khổng lồ của CT Bất động sản Viettel - Ảnh 2
Kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ liên quan đến khoản lợi nhuận khổng lồ và dự án CT2

“Tuy nhiên, đơn vị chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoản lợi nhuận 38,4 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ tạm thời ghi nhận số liệu giải trình của Bộ Quốc phòng và đơn vị có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan chứng minh khoản lợi nhuận 38,4 tỷ đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của số liệu này theo quy định của pháp luật”, Thanh tra Chính phủ cho biết tại báo cáo thanh tra.Qua đó, ngoài 2 khoản tiền đã ghi nhận gồm khoản lợi nhuận 19,3 tỷ đồng và khoản thu hồi khi thoái vốn 86 tỷ đồng nêu trên, đơn vị này còn bổ sung thêm về khoản lợi nhuận sau thuế thu được từ việc bán căn hộ thuộc CT2 với số tiền 38,4 tỷ đồng.

Cuối cùng, Kết luận thanh tra đã chỉ ra đây là trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel và Công ty Bất động sản Viettel.

Khi tiếp nhận thông tin từ Kết luận thanh tra, nhiều bạn đọc đã đặt ra nghi vấn về số tiền 38,4 tỷ đồng nêu trên. Có hay không việc Công ty Bất động sản Viettel sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư thua lỗ với con số hàng tỷ đồng? Trách nhiệm của người đứng đầu Công ty Bất động sản Viettel, Tập đoàn Viettel đối với số tiền lợi nhuận, số nợ tiền sử dụng đất và thực hiện Kết luận thanh tra như thế nào?

Để giải đáp những khúc mắc này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã liên hệ làm việc với phía đại diện Tập đoàn Viettel và Công ty Bất động sản Viettel, tuy nhiên đã gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được hồi âm.

Trách nhiệm của các bên liên quan như: Thường trực UBND TP Hà Nội, các Sở: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Xây dựng, TN&MT, Quy hoạch – Kiến trúc và chủ đầu tư sẽ như thế nào? Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Môi trường và đô thị

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục