Hợp đồng mua nhà của dự án Hong Kong không có hiệu lực pháp luật?

Đó là khẳng định của Luật sư Đào Thị Liên, Giám đốc Công ty luật Tiền Phong, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trước những những dấu hiệu sai phạm của Công ty Kang Long tại dự án chung cư Hong Kong Tower.

Công ty Kang Long không có quyền đứng ra làm các thủ tục pháp lý với khách hàng

Ngày 22/7/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định cho phép Công ty CP Phát triển Kỹ thuật Xây dựng (TDC) chuyển mục đích sử dụng 5.591 m2 đất tại số 243A Đê La Thành, phường Láng Thượng (Đống Đa) để xây dựng tòa nhà ở dịch vụ công cộng và căn hộ để bán tổng hợp đa năng (Hong Kong Tower). Tuy nhiên, trên thực tế dự án này đã được Công ty TDC chuyển nhượng cho Công ty Kang Long. Hiện tại, Công ty Kang Long đã đề nghị để đơn vị này giữ vai trò làm CĐT duy nhất, nhưng chưa được thành phố chấp thuận, song đơn vị này đã tự ý đứng ra làm các thủ tục pháp lý và ký kết HĐ với khách hàng.

Trước sự việc này, theo Luật sư Đào Thị Liên, Giám đốc Công ty luật Tiền Phong, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Công ty Kang Long không có quyền giao kết và thực hiện giao dịch mua bán nhà ở với khách hàng tại thời điểm hồ sơ chuyển nhượng dự án chưa được phê duyệt. Bởi, công ty này không đủ điều kiện để làm chủ thể hợp đồng với tư cách bên bán nhà ở; không đủ điều kiện thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng mua nhà của dự án Hong Kong không có hiệu lực pháp luật? - Ảnh 1

Dự án Hong Kong Tower đang hoàn thiện

 Luật Nhà ở nghiêm cấm việc chủ đầu tư ủy quyền hoặc cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án.

Do vậy, trừ khi Công ty Kang Long đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng dự án, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án thì mới được giao kết hợp đồng mua bán nhà ở và thu tiền của người mua nhà – Luật sự Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng theo Luật sư Đào Thị Liên cho biết, trong trường hợp này, Công ty Kang Long đã cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai khiến khách hàng hiểu sai về tư cách chủ thể Công ty Kang Long là chủ đầu tư dự án để đồng ý giao kết hợp đồng mua bán nhà ở và nộp tiền. Nếu đặt giả thiết, đến hạn không có nhà để giao, cũng không hoàn lại được tiền cho người mua thì xét ở góc độ pháp luật hình sự, công ty này sẽ bị xét về dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 Luật Hình sự.

Theo đó, Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định: Tổ chức, cá nhân nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Bản hợp đồng mua nhà không có hiệu lực pháp luật

Nghiêm trọng hơn, cũng theo Luật sư Liên, khi khách hàng ký vào bản hợp đồng với Công ty Kang Long – tức bên không có thẩm quyền thì hợp đồng không có hiệu lực pháp luật, không có gì đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện đúng.

Bản thân hợp đồng đã vô hiệu, không có hiệu lực pháp luật thì sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, do vậy, rủi ro lớn nhất của khách hàng là nộp tiền rồi mà không được nhận nhà – luật sư Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nếu Công ty Kang Nam không thể hoàn tất được thủ tục chuyển nhượng, không được làm chủ đầu tư dự án thì mọi giao dịch mua bán nhà ở, các khoản vay thế chấp bằng dự án của đơn vị này (nếu có) sẽ vô hiệu. Giao dịch vô hiệu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên, khách hàng mua nhà sẽ không thể ràng buộc được Kang Nam phải giao nhà đúng hạn, đúng chất lượng, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận chủ quyền nhà. Tổ chức tín dụng sẽ gặp phải nguy cơ không thu hồi được vốn vay – luật sư Liên cho biết.

Đưa ra lời khuyên cho khách hàng trên thị trường BĐS nói chung và những khách hàng của dự án Hong Kong Tower, Luật sư Đào Thị Liên khuyến cáo: “Nhà ở là tài sản có giá trị lớn, thường khách hàng mua nhà phải tích lũy nhiều năm mới đủ tiền mua để mua, do vậy, khi giao kết hợp đồng mua bán nhà ở nhất thiết phải yêu cầu chủ đầu tư (hoặc sàn giao dịch) cung cấp cho các tài liệu về dự án có đóng dấu treo của chủ đầu tư hoặc của Sàn, trong đó quan tâm nhất thông tin về chủ đầu tư, tiến độ xây dựng. Việc này là căn cứ để biết chủ đầu tư là ai, sau này hợp đồng không được thực hiện đúng hoặc đầy đủ còn kiện được đúng chủ thể phải chịu trách nhiệm”.

Theo Thương Trường

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục