Giải thưởng Quốc gia bất động sản Việt Nam 2018: Dự án có 'vấn đề', doanh nghiệp vẫn lĩnh giải thưởng quốc gia

Một số dự án và chủ đầu tư từng dính tai tiếng khi chủ đầu tư xây sai thiết kế, công trình nhanh xuống cấp, từng bị đình chỉ thi công... song vẫn giành được những Giải thưởng Quốc gia bất động sản Việt Nam.

Giải thưởng Quốc gia bất động sản Việt Nam 2018: Dự án có 'vấn đề', doanh nghiệp vẫn lĩnh giải thưởng quốc gia - Ảnh 1
Nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao nhà theo cam kết dự án còn ngổn ngang vẫn được xét giải. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn.


Nhiều dự án từng dính sai phạm


Tối 14/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức lễ trao Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018.

Sau 4 tháng phát động, Ban tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 đã nhận được hàng trăm hồ sơ. Thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại các dự án, bỏ phiếu kín, kiểm toán và “hiệp y” với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương… Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 54 đơn vị và dự án để tôn vinh, gồm: Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất (11 giải); Khu đô thị tốt nhất (6 giải); Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất (5 giải); Tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất (3 giải); Dự án khu nhà ở đáng sống nhất (10 giải); Dự án công trình xanh tốt nhất (5 giải); Sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất (7 giải) và Dự án nhà ở xã hội tốt nhất (7 giải).

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trưởng ban tổ chức, Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp và dự án hoặc dự án, công trình tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển nhanh, bền vững và minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam.

Giải thưởng do hội đồng giám khảo lựa chọn hoàn toàn độc lập khách quan, với 13 thành viên. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn làm chủ tịch hội đồng. Thành viên Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Quốc gia bất động sản 2018 đa phần là các kiến trúc sư uy tín trong và ngoài nước, bên cạnh đó là các chuyên gia kiểm toán, luật sư, nhà báo và đại diện tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1, dư luận không khỏi bất ngờ khi trong 8 hạng mục giải thưởng có những hạng mục mà chủ đầu tư, dự án nhận giải thưởng từng bị công luận lên án về chất lượng dự án, về sai phạm chủ đầu tư.

Điển hình như hạng mục giải thưởng “Dự án nhà ở xã hội chất lượng nhất”, có những dự án từng bị cư dân bức xúc phản ánh về những bất cập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể như: Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại Đặng Xá, Hà Nội (Tổng công ty Viglacera); Dự án Khu nhà ở xã hội Ecohome 1&2 - Hà Nội, do Cty CP đầu tư và thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư.

Dự án Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 sau 1 năm đưa vào sử dụng đã xảy ra hiện tượng thấm dột, tường nhà nứt nẻ được chủ đầu tư chắp vá chằng chịt.

Ở hạng mục giải thưởng “khu nhà ở đáng sống nhất”, dự án D’. Le Pont D’or 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Dự án này từng bị phát hiện xây sai phép so với quy hoạch được duyệt; Chủ đầu tư tự ý xây thêm tầng lửng ngoài thiết kế với diện tích gần 2.000 m2. Phần diện tích xây thêm này chiếm tới 70% diện tích sàn tầng 1 và vượt quá quy định cho phép xây dựng tầng lửng.

Nhiều quan điểm khác nhau là chuyện bình thường?

Khi được hỏi về kết quả bình chọn, xét giải, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay: “Việc tuyển chọn, xét giải do Hiệp hội bất động sản Việt Nam chủ trì, cục chỉ được Bộ Xây dựng giao tham gia ban tổ chức làm hồ sơ về các dự án, chủ đầu tư, thủ tục báo cáo”.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trưởng ban tổ chức, cần phân biệt rõ dự án và doanh nghiệp. “Có 8 hạng mục giải thì có 7 hạng mục dự án, 1 hạng mục doanh nghiệp. Hội đồng giám khảo gồm 13 người, hoạt động rất độc lập. Trong đó có 7 kiến trúc sư, bao gồm cả Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và 2 kiến trúc sư nước ngoài; Ngoài ra còn có các nhà khoa học, luật sư, nhà báo, đại diện của tổ chức công trình xanh thế giới... Họ xem hồ sơ, khảo sát thực tế, cho điểm bằng cách bỏ phiếu kín. Ban tổ chức không can thiệp, tham gia gì trong khâu này”, ông Nam chia sẻ.

Theo Chủ tịch VNREA, hầu hết các giải được xét rất chặt chẽ. Thậm chí, đến phút cuối cùng ban tổ chức còn đưa ra tiêu chí phải có văn bản đồng ý của lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dự án. Cơ bản họ đều nhất trí. “Có một dự án trong TP Hồ Chí Minh bị loại vì thành phố không nhất trí. Một dự án khác cũng bị loại dù thành phố không có ý kiến nhưng trên các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ”, ông Nam cho biết thêm.

Chủ tịch VNREA cũng khẳng định chắc nịch: Các dự án, chủ đầu tư được tuyển chọn theo quy chế đặt ra hết sức chặt chẽ, hội đồng làm việc uy tín, khách quan, độc lập. Dựa trên việc bỏ phiếu và biên bản của hội đồng giám khảo, ban tổ chức mới trao giải.

Về thông tin liên quan đến các dự án tai tiếng trên, Chủ tịch VNREA cho rằng: Hội đồng giám khảo đều phải đi thực tế, có văn bản hiệp y của lãnh đạo tỉnh/thành phố có dự án đó. “Thực sự, giải gì cũng vậy, rất khó đạt được kết quả tốt 100%, không thể làm hài lòng hết mọi người. Việc dư luận có nhiều quan điểm khác nhau cũng là chuyện bình thường, cơ bản chúng tôi đã làm đúng quy định, pháp luật và trách nhiệm”.

 Bàn về vấn đề chấm giải và chất lượng thực sự của các công trình đạt giải, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng: “Trong số các tiêu chí đánh giá thì tiêu chí chất lượng công trình xây dựng phải là số 1. Hiện nay, phần lớn các công trình xây dựng là chung cư, bắt buộc phải được Sở Xây dựng hoặc Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình kiểm tra, đánh giá chất lượng đạt hay không đạt, đủ điều kiện đưa vào sử dụng hay không? Những công trình có điều tiếng chắc chắn không được nghiệm thu đưa vào sử dụng”.

Để tôn vinh các công trình xây dựng, theo ông Thịnh trước hết công trình đó phải được giải thưởng chất lượng cao của Bộ Xây dựng, từ đó mới xem xét các tiêu chí khác. Ngoài ra, theo ông Thịnh, các công trình đó còn phải đảm bảo về mặt thủ tục xây dựng (có giấy phép xây dựng, thi công theo đúng giấy phép, đúng căn hộ mẫu), không được “treo đầu dê bán thịt chó”, trong quá trình thi công không để xảy ra vụ tai nạn lao động, phải nghiệm thu phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng...

 

Tuấn Nguyễn
Theo Tienphong

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục