Dự án phải có 3 tầng hầm: Cần có quy định cụ thể và tầm nhìn dài hạn!

(Kinhdoanhnet) - Thời gian gần đây, thị trường BĐS Hà Nội đang xôn xao trước quy định về việc bắt buộc công trình nhà cao tầng phải có tối thiểu 3 tầng hầm. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, các chủ đầu tư dự án BĐS và giới chuyên môn.

Tầm nhìn chiến lược và dài hạn!

Ngày 14/4/2016, Sở quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có thông báo số 1823/TB-QHKT về việc bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại theo chỉ đạo của Thành ủy. Sau đó, ngày 13/5/2016, UBND Thành phố cũng đã có văn bản số 2685/UBND – ĐT về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội tại thông báo số 83-TB/TU ngày 24/3/2016.

Dự án phải có 3 tầng hầm: Cần có quy định cụ thể và tầm nhìn dài hạn! - Ảnh 1
Chỗ để xe luôn là vấn một trong những vấn đề nan giải ở nhiều khu đô thị của Hà Nội.

Về quy định này, theo PGS-TS. Nguyễn Văn Hùng phân tích, Tùy theo khu vực nội hay ngoại thành, mặt bằng của dự án và độ hấp dẫn của tòa nhà cũng như sự cấp thiết phải xây tầng hầm ở khu vực xung quanh để quyết định việc này. Thực tế, tại nhiều dự án chung cư, đặc biệt ở nội đô, chỗ đỗ xe luôn là vấn đề nan giải. Đơn cử như ở các trung tâm thương mại, bắt buộc phải có 3 tầng hầm. Một trong các tiêu chí cần xét đến khi quy định như trên là tòa nhà nào có từ 30% cư dân có xe ô tô riêng trở lên thì bắt buộc phải có đủ 3 tầng hầm.

Cũng theo ông Hùng, cũng phải xét nếu tòa nhà có diện tích mặt bằng lớn đồng nghĩa với việc hầm gửi xe rộng, không nhất thiết phải xây đủ 3 tầng hầm. Nhưng nếu diện tích mặt bằng hẹp thì phải xây hơn 3 tầng hầm. Về quy định nà, nhà đầu tư cũng có lợi ở chỗ khi có đủ chỗ cho cư dân đỗ xe, người ta sẽ thích mua nhà của họ. Nhiều thượng đế khi quyết định mua nhà rất quan tâm tới chỗ đỗ xe bởi họ sẽ tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng trong khi xe của họ được để ở chỗ có mái xe đàng hoàng - ông Hùng phân tích.

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi liệu quy định trên đó có vội vàng và mâu thuẫn với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành hay không, lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho biết, Sở chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của mình chứ không vội vàng.

Lãnh đạo Sở cũng cho rằng chủ trương này sẽ không xung đột hay trái quy định hiện hành bởi theo quy chuẩn đối với nhà cao tầng hiện nay như: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe)..., là tiêu chuẩn tối thiểu. Còn nhu cầu tăng cao do sự phát triển của thực tế thì việc tăng diện tích tầng hầm là đúng.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội khẳng định điều này cần giải quyết khi Hà Nội đang thiếu chỗ cho giao thông tĩnh phải đỗ xe trên vỉa hè. Với những chủ trương mới, lãnh đạo Sở cho rằng sự phản biện của dư luận xã hội là đương nhiên. “Sở sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện một cách cầu thị”, một vị lãnh đạo Sở nhấn mạnh.

Cần quy định cụ thể và lộ trình thực hiện phù hợp!

Sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đối với việc giải quyết tình trạng thiếu hụt diện tích giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe, các khu vệ sinh công cộng tại địa bàn thành phố đặc biệt là tại các khu trung tâm thành phố là hợp lý và mang tầm nhìn chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong thông báo số 1823/TB-QHKT ngày 14/4/2016 của sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có tồn tại một số bất cập. 

Theo đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản gửi Tp.Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội nêu rõ 3 bất cập về thông báo của Sở này.

 

Dự án phải có 3 tầng hầm: Cần có quy định cụ thể và tầm nhìn dài hạn! - Ảnh 2
Văn bản của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) gửi Tp.Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội về quy định dự án phải có 3 tầng hầm.

Thứ nhất: Thông báo chưa phù hợp về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đối với các nội dung điều chỉnh thị trường bất động sản, một lĩnh vực lớn, có ảnh hưởng rộng đến sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước cũng như sự phát triển của thành phố, chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã được ban hành.

Thứ Hai: Thông báo không quy định rõ về quy mô, vị trí, tính chất công trình, dự án như ở nội đô, ngoại thành, hay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng, gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.

Thứ Ba: Về vấn đề chuyển tiếp, với quy định của thông báo, các dự án đang bị dừng lại, hoặc trả về…đã thực sự gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thêm nữa với việc quy định như vậy chi phí đầu tư sẽ bị đội lên, các thủ tục phải làm lại từ đầu…trong khi đó để dự án đi đến giai đoạn như quy định tại thông báo, chủ đầu tư đã phải làm nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. Điều này là bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế.

Theo đó, Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, với các bất cập trên, rất nhiều các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thủ đô đã phản ánh tới Hiệp hội về các khó khăn, bức xúc xuất phát từ những bất cập này. Vì thế, VNREA thấy rằng văn bản số 2685 mới đây của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng là rất kịp thời, đưa ra các ý kiến chỉ đạo phù hợp.

Đồng thời, VNREA kiến nghị TP Hà Nội trước mắt có văn bản dừng hiệu lực của thông báo số 1823/TB-QHKT ngày 14/4/2016 của Sở Quy hoạch kiến trúc, vì thông báo đã và đang gây ách tắc hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đến khi TP có quyết định chính thức.

Cần phải xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất… của các dự án, công trình khi áp dụng các quy định này và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của toàn thành phố trong việc bố trí mạng lưới giao thông tĩnh cũng như các khu vệ sinh công cộng.

Mặt khác, các quy định này cần phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được ban hành trước đó như Quy chuẩn xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành...

Đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc khi dự thảo văn bản cần có sự tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều này sẽ tham mưu giúp thành phố có các quyết định thực tế, toàn diện hơn và sẽ nhận được sự ủng hộ tốt hơn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Về việc chuyển tiếp, đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với các dự án, công trình bắt đầu nộp hồ sơ thỏa thuận kiến trúc, quy hoạch kể từ ngày có quyết định chính thức của UBND Thành phố.

Mai Hoa - (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục