CĐT "gặp khó" trước quy định dự án BĐS phải có 3 tầng hầm!

(Kinhdoanhnet) - Quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng đang là tâm điểm quan tâm của dư luận thời gian vừa qua. Quy định xuất phát từ Sở Quy hoạch-Kiến trúc khi Giám đốc sở ông Lê Vinh ký thông báo gửi các phòng ban chuyên môn của sở này với yêu cầu hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại (dự án nhà cao tầng).

CĐT "gặp khó" trước quy định dự án BĐS phải có 3 tầng hầm! - Ảnh 1
Quy định dự án BĐS phải có 3 tầng hầm liệu đã thực sự hợp lý?

Cụ thể, trong quá trình thẩm định các đồ án, dự án phải thực hiện nghiêm túc các nội dung như: Đối với các đồ án, dự án mới nộp vào Sở để thẩm định, chấp thuận quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, khi kiểm tra hồ sơ nếu không đủ 3 tầng hầm với chức năng để xe, cần yêu cầu các chủ đầu tư bố trí tối thiểu 3 tầng hầm làm chỗ để xe cho công trình và khu vực xung quanh...

Đối với các đồ án, dự án đã xong về thủ tục nhưng chưa đầu tư xây dựng, nay có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch, kiến trúc hoặc trả lời văn bản liên thông cho các sở, ngành liên quan (cấp chứng nhận đầu tư, xin phép xây dựng…) các phòng được giao thẩm định yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tầng hầm đỗ xe (nếu chưa đủ từ 3 tầng hầm trở lên).

Trường hợp chỉ điều chỉnh về kiến trúc mà giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt thì yêu cầu chỉnh sửa bản vẽ, phương án kiến trúc đủ 3 tầng hầm để xe và xác nhận điều chỉnh phương án kiến trúc đã bổ sung tầng hầm và nhà vệ sinh công cộng…

Thực tế, trong thời gian vừa qua, hàng loạt dự án cao tầng mới được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của tại Hà Nội đã bị áp dụng quy định 3 tầng hầm. Cụ thể, ngày 13/5/2016 tại quyết định số 2310/QĐ-UBND về phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết cải tạo Tập thể Kim Liên và khu vực lân cận, tỷ lệ 1/500 tại các phường Kim Liên, Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư bố trí tối thiểu 3 tầng hầm với chức năng để xe để phục vụ dân cư khu quy hoạch và khu vực lân cận theo quy định.

Trước đó, trong nội dung Công văn số 2667/UBND-ĐT ban hành ngày 11/5/2016 về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Thành phố cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện công trình cao tầng phải đảm bảo về số lượng tối thiểu là 3 tầng hầm...

Cũng tại ngày 11/5/2016, trong văn bản phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở cao cấp Ba Đình tại xã Tráng Việt, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí 3 tầng hầm.

Đứng ở vai trò là các doanh nghiệp phát triển dự án, đại diện các doanh nghiệp đa số đều cho rằng quy định nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội là chung chung, chưa thực tế. Các doanh nghiệp cũng đề xuất quy định cần cụ thể hơn và có sự cân đối giữa các dự án khác nhau.

Mổ xẻ những điểm chưa hợp lý của quy định trên, PGS-TS. Nguyễn Văn Hùng phân tích, ở các trung tâm thương mại, bắt buộc phải thế, nhưng ở các khu đô thị, cần xem lại. Trước hết Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cần xác định nhà bao nhiêu tầng, ở khu vực nào thì cần có đủ 3 tầng hầm. Một trong các tiêu chí cần xét đến khi quy định như trên là tòa nhà nào có từ 30% cư dân có xe ô tô riêng trở lên thì bắt buộc phải có đủ 3 tầng hầm.

Tùy theo khu vực nội hay ngoại thành, mặt bằng của dự án và độ hấp dẫn của tòa nhà cũng như sự cấp thiết phải xây tầng hầm ở khu vực xung quanh để quyết định việc này. Thực tế, tại nhiều dự án chung cư, đặc biệt ở nội đô, chỗ đỗ xe luôn là vấn đề nan giải.

Theo ông Hùng, cũng phải xét nếu tòa nhà có diện tích mặt bằng lớn đồng nghĩa với việc hầm gửi xe rộng, không nhất thiết phải xây đủ 3 tầng hầm. Nhưng nếu diện tích mặt bằng hẹp thì phải xây hơn 3 tầng hầm.

Ông Hùng lưu ý, khi xây dựng tầng hầm cần tính đến các yếu tố như đảm bảo độ dốc an toàn khi xe lên xuống, chống ngập lụt, phòng chống cháy nổ, chống thấm cho tường, đảm bảo cư dân không bị ngạt khí khi xuống hầm. “Về kỹ thuật xây thêm tầng hầm không khó. Nhưng chi phí đắt đỏ sẽ làm đội giá nhà lên và tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới tiến độ dự án”, ông Hùng nêu vấn đề.

Tuy vậy, theo ông Hùng, nhà đầu tư cũng có lợi ở chỗ khi có đủ chỗ cho cư dân đỗ xe, người ta sẽ thích mua nhà của họ. Nhiều thượng đế khi quyết định mua nhà rất quan tâm tới chỗ đỗ xe bởi họ sẽ tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng trong khi xe của họ được để ở chỗ có mái xe đàng hoàng.

Trả lời câu hỏi liệu quy định trên đó có vội vàng và mâu thuẫn với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành hay không, lãnh đạo Sở QH-KT Hà Nội cho biết, Sở chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của mình chứ không vội vàng.

Lãnh đạo Sở cũng cho rằng chủ trương này sẽ không xung đột hay trái quy định hiện hành bởi theo quy chuẩn đối với nhà cao tầng hiện nay như: Đối với nhà ở thương mại, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe); đối với nhà ở xã hội cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ, phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe)..., là tiêu chuẩn tối thiểu. Còn nhu cầu tăng cao do sự phát triển của thực tế thì việc tăng diện tích tầng hầm là đúng.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội khẳng định điều này cần giải quyết khi Hà Nội đang thiếu chỗ cho giao thông tĩnh phải đỗ xe trên vỉa hè. Với những chủ trương mới, lãnh đạo Sở cho rằng sự phản biện của dư luận xã hội là đương nhiên. “Sở sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện một cách cầu thị”, một vị lãnh đạo Sở nhấn mạnh.

Mai Hoa - (Theo Trí thức trẻ, Zing)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục