Bài 3: Dự án A10 Nam Trung Yên: Đăng quảng cáo khi CĐT chưa cho phép, có dấu hiệu lừa đảo?

(Kinhdoanhnet.vn) - Dự án A10 Nam Trung Yên chưa xây dựng xong móng tuy nhiên nhiều website đăng quảng cáo bán nhà là vi phạm pháp luật. Nếu bên rao bán đăng thông tin nhằm mục đích lấy tiền đặt cọc của khách hàng trong khi chưa có sự cho phép của chủ đầu tư thì hành vi này có dấu hiệu của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Vừa qua, thông tin dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ công cộng tại ô đất A10, thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội (Chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội - Handico) được chào bán rầm rộ khi chưa xây xong móng thậm chí chưa được sự cho phép của chủ đầu tư, khiến rất nhiều khách hàng đang quan tâm đến dự án này không khỏi hoang mang.

Sau khi Báo Kinh doanh & Pháp luật phản ánh liên quan đến việc rao bán nhà trái pháp luật của dự án này, chị Hoàng Anh – một khách hàng chia sẻ với PV trong sự lo lắng: “Tôi đang có nhu cầu mua nhà tại dự án A10 Nam Trung Yên, sau nhiều ngày tìm hiểu thông tin rao bán trên mạng, tôi và chồng khá ưng ý và đã định ngày đi đặt cọc vị trí căn hộ. Tuy nhiên, tôi rất sốc khi đọc được 1 số bài báo nói rằng không hề có chuyện chủ đầu tư rao bán, những lời quảng cáo hoa mỹ hoàn toàn là của các đối tượng trục lợi từ dự án”.

“Nếu vợ chồng tôi cứ nghe theo thông tin rao bán nhà trên mạng mang danh chủ đầu tư, có xảy ra bất trắc gì chúng tôi biết kêu ai? Quả thật bây giờ trước khi mua nhà phải tìm hiểu thật kỹ và hỏi nhiều người rồi mới quyết định. Nếu cứ liều lĩnh tin theo quảng cáo thì có ngày mất trắng…”, chị Hoàng Anh bộc bạch.

Bài 3: Dự án A10 Nam Trung Yên: Đăng quảng cáo khi CĐT chưa cho phép, có dấu hiệu lừa đảo? - Ảnh 1
Phối cảnh dự án A10 Nam Trung Yên trên các website.

Trước đó, trả lời PV Báo Kinh doanh & Pháp luật về vấn đề dự án A10 Nam Trung Yên chưa xây xong móng tuy nhiên nhiều trang mạng đã rao bán tràn lan, Ông Nguyễn Tử Quang – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết: “Không hề có chuyện chúng tôi rao bán nhà. Đây là các cá nhân, tổ chức tự rao bán khi chưa đủ điều kiện và bên tôi không kiểm soát được việc này. Hiện bên công ty còn chưa duyệt phương án thì làm sao có giá để bán".

Bài 3: Dự án A10 Nam Trung Yên: Đăng quảng cáo khi CĐT chưa cho phép, có dấu hiệu lừa đảo? - Ảnh 2

Loạn thông tin rao bán dự án A10 Nam Trung Yên khiến khách hàng thực sự hoang mang.

Mặc dù, chủ đầu tư đã chính thức lên tiếng thông báo rằng công ty tuyệt đối chưa mở bán, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, khi tìm kiếm thông tin trên mạng, các website bất động sản vẫn rầm rộ quảng bá về việc bán nhà tại dự án A10 Nam Trung Yên khiến dư luận rất bức xúc. Những website này còn hiện rõ logo công ty Handico và luôn khẳng định mình chính là chủ đầu tư rao bán dự án.

Bài 3: Dự án A10 Nam Trung Yên: Đăng quảng cáo khi CĐT chưa cho phép, có dấu hiệu lừa đảo? - Ảnh 3
Bài 3: Dự án A10 Nam Trung Yên: Đăng quảng cáo khi CĐT chưa cho phép, có dấu hiệu lừa đảo? - Ảnh 4
Hàng loạt thông tin rao bán dự án chung cư A10 Nam Trung Yên mang danh chủ đầu tư Handico xuất hiện trên mạng.

Phải chăng có một "thế lực ngầm" nào đó đang đứng sau bao che, dung túng nên các website này mới tung tin rao bán nhà? Ở thời đại internet phát triển mạnh như hiện nay, những thông tin quảng cáo sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo như thế này thì người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là người dân, là khách hàng vốn đang đặt nhiều niềm tin vào các dự án bất động sản của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết: Trong trường hợp này, hành vi rao bán nhà khi chưa có sự cho phép của chủ đầu tư tùy theo mục đích của người rao bán mà sẽ bị xử phạt các mức khác nhau. Nếu người rao bán đăng thông tin làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của dự án đầu tư thì sẽ bị buộc gỡ thông tin, cải chính và bồi thường thiệt hại cho bên bị hại.

Bài 3: Dự án A10 Nam Trung Yên: Đăng quảng cáo khi CĐT chưa cho phép, có dấu hiệu lừa đảo? - Ảnh 5
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch.

Còn nếu bên rao bán đăng thông tin nhằm mục đích lấy tiền đặt cọc của khách hàng trong khi chưa có sự cho phép của chủ đầu tư thì hành vi này có dấu hiệu của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Cụ thể tại Điều 139 quy định về xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000 đồng – 50.000.000 đồng hì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm;

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Quy định của pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo: Căn cứ Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Trường hợp trên quảng cáo mà chưa có sự đồng ý của chủ đầu tư, quảng cáo có sự sai lệch về thông tin đối với khách hàng, thì tại Nghị định trên quy định hành vi này thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể tại Điểm b Khoản 5 Điều 51 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP:

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;”.

Thêm vào đó, người rao bán sẽ phải gỡ, xóa quảng cáo rao bán trái phép trên.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Bình Minh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục