Bài 11: Có hay không việc Mường Thanh tiếp tay cho trốn thuế?

(Kinhdoanhnet) - Hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng tiền chênh được trao đổi qua lại giữa người bán và người mua tại sàn giao dịch BĐS Mường Thanh một cách hết sức đơn giản, hoàn toàn không hề có bất cứ một giấy tờ nào được ký kết và càng không có sự công chứng của các cơ quan pháp luật. Với việc làm này, tạo nghi vấn lớn trước việc Nhà nước đã mất đi nhiều tỷ đồng tiền thuế mà không có cơ sở gì để lấy lại!

Bài 11: Có hay không việc Mường Thanh tiếp tay cho trốn thuế? - Ảnh 1
Hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng tiền chênh được trao đổi qua lại giữa người bán và người mua tại sàn giao dịch BĐS Mường Thanh chỉ dựa trên một tờ giấy thông báo đơn giản như thế này!

Theo quan sát của phóng viên trước giờ của mỗi lần mở bán, có một dấu hiệu khá bất thường là giá bán niêm yết trên giấy "Thông báo" được chủ đầu tư ghi khá rõ ràng, tuy nhiên tại các phòng "kín" nằm ở tầng 2 sàn Mường Thanh luôn diễn ra cuộc đấu giá ngầm với các nhà đầu cơ, môi giới "ôm" hàng trước, sau đó xé lẻ bán cho các khách hàng tìm mua lẻ để tiếp tục kiếm tiền chênh. Được biết giá chào mỗi sàn chung cư với mức chênh từ 800-1,8 tỷ/sàn. 

Như vậy, việc đưa ra cả sàn căn hộ (Khoảng 24 căn) chào bán không lẽ chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên lại không biết điều này?! Khoản tiền chênh lệch khá lớn đó sẽ vào tay ai ?

Việc mua bán căn hộ tại sàn giao dịch BĐS Mường Thanh diễn ra chẳng khác nào việc mua mớ rau ngoài chợ. Theo đó, trong khoảng thời gian từ một đến hai ngày trước khi ký Hợp đồng mua bán căn hộ và tiến hành nộp tiền cho chủ đầu tư, người mua sẽ được chủ đầu tư giao cho một tờ giấy Thông báo nộp tiền mua căn hộ chung cư (chỉ vẻn vẹn trên một trang giấy A4) để mang ra thị trường, ở đây chính là Sàn giao dịch BĐS Mường Thanh, để tiến hành giao dịch, chuyển nhượng, mua đi bán lại.

Người mua nếu muốn sở hữu căn hộ này thì sẽ phải trả một khoản tiền “chênh” lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng cho người bán, đổi lại, người bán chỉ cần giao tờ giấy Thông báo nộp tiền đó cho người mua… thế là xong! Không có bất cứ văn bản nào được ký hay cam kết và cũng chẳng có sự xuất hiện của những đơn vị công chứng, chứng nhận việc mua bán đó trước pháp luật như vẫn thường thấy tại các dự án nghiêm túc khác trên thị trường.

Về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH cho biết: Theo quy định của pháp luật, quy trình của một Hợp đồng mua bán căn hộ sẽ được diễn ra như sau: Khi khách hàng ký Hợp đồng mua bán và nộp tiền cho chủ đầu tư thì về nguyên tắc chủ đầu tư sẽ phải ký nhận số tiền đó và kê khai nộp thuế cho số tiền mà khách hàng đã nộp. Bên cạnh đó, sau khi đã ký Hợp đồng, đương nhiên là tên của người mua nhà cũng đã được xác định. 

Chính vì vậy, khi người mua nhà thứ nhất muốn tiến hành chuyển nhượng căn hộ cho người mua nhà tiếp theo, thì theo quy định của Nghị định 71, người mua và người bán sẽ phải ký một văn xác nhận bản chuyển nhượng mua bán trên cơ sở có sự xác nhận của Văn phòng công chứng và chủ đầu tư. Có như vậy, việc chuyển nhượng đó mới được coi là hợp lệ và đúng với quy định của pháp luật. 

“Do việc đưa ra tờ giấy thông báo và tiến hành chuyển nhượng, mua đi bán lại trên thị trường giữa người bán với người mua được thực hiện trước thời điểm ký kết Hợp đồng mua bán, cho nên việc làm này pháp luật không cấm” - Luật sư Bùi Quang Hưng phân tích. Trừ trường hợp sau khi Hợp đồng mua bán đã được ký kết mà giữa người mua và người bán vẫn chuyển nhượng với nhau qua tờ giấy thông báo như trên thì mới là bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật sư Bùi Quang Hưng cũng cho rằng, về mặt bản chất đây rõ ràng là hành vi mua bán trốn thuế, bởi khi người bán chuyển nhượng cho người mua và thu về một khoản tiền chênh thì theo quy định của pháp luật họ sẽ phải kê khai và nộp thuế theo quy định. Bên cạnh đó, do hành động mua bán này không có sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, chính vì vậy, trách nhiệm pháp lý của người bán là không có. Và đương nhiên là nếu có xảy ra rủi ro gì thì người mua nhà sẽ hoàn toàn phải gánh chịu!

Trong khi đó, vào những thời điểm “nóng”, mỗi ngày tại Sàn giao dịch BĐS Mường Thanh có tới hàng trăm giao dịch được diễn ra, xoay quanh hàng trăm căn hộ tại các dự án (Kim Văn – Kim Lũ, VP5, VP6, HH4 Linh Đàm…) có đến hàng nghìn giao dịch được mua đi bán lại... Tuy nhiên, với phương thức mua bán đơn giản đến "tối giản" như vậy, câu hỏi đặt ra việc kiểm soát thuế trên mỗi giao dịch đó được tiến hành như thế nào? Và liệu sàn giao dịch BĐS Mường Thanh có tiếp tay cho việc làm gây thất thoát thuế này hay không?

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ sớm có trả lời công luận.

Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc!

Thuỳ Dương - Hồng Sơn.

Mọi ý kiến, đóng góp của quý độc giả về bài viết xin vui lòng gọi số: 0912280207 hoặc email: bandockdpl@gmail.com  

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục