Luật đấu thầu mới: Cơ hội cho những nhà thầu thực sự có năng lực

(Kinhdoanhnet) - Quá phụ thuộc vào yếu tố giá bỏ thầu, Luật Đấu thầu cũ (Luật Đấu thầu năm 2005) đã tạo điều kiện cho những nhà thầu nước ngoài dễ dàng có được gói thầu mặc dù năng lực thi công yếu kém, quá trình thi công phát sinh nhiều vấn đề về vốn, chậm tiến độ…

Luật đấu thầu mới: Cơ hội cho những nhà thầu thực sự có năng lực - Ảnh 1

Các dự án do Trung Quốc thầu đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm so với kế hoạch đề ra.

Của rẻ thường không ngon?

Trên thực tế, những công trình trọng điểm về xây dựng, giao thông, nhiệt điện, hóa chất… đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, mà phần lớn là nhà thầu Trung Quốc. Theo thông tin từ Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) hiện nay nhà thầu Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án về xi măng, nhiều dự án về giao thông, nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu.

Tuy nhiên, xét trên thực tế, năng lực của các nhà thầu Trung Quốc, thường rất yếu kém. Họ bỏ giá rất thấp nhưng đến khi thực hiện lại có nhiều phát sinh, trì hoãn việc thực hiện nếu không tiếp tục bổ sung vốn. Và cuối cùng, dự án vẫn bắt buộc phải nâng giá cao hơn giá ban đầu.

Bên cạnh đó, khi đã trúng thầu, các nhà thầu này lại dở các thủ đoạn, sẵn sàng xé bỏ các hiệp ước trước đó. Hệ quả là các dự án đều chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Hơn nữa, các nhà thầu Trung Quốc còn thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi và bổ sung nhà cung cấp.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, Luật Đấu thầu được ban hành còn nhiều kẽ hở ràng buộc về giá bỏ thầu, ưu tiên các nhà thầu bỏ giá thấp, trong khi lại chưa thực sự đề cao yếu tố chất lượng của dự án. Do nắm vững cơ chế đó, các nhà thầu Trung Quốc luôn đưa ra mức giá thầu thấp hơn giá chuẩn từ 20-30%. Chính vì vậy, viêc họ liên tiếp trúng thầu mặc dù năng lực cũng như chất lượng công trình thực hiện luôn ở mức thấp cũng là điều dễ hiểu.

Luật Đấu thấu mới tạo sân chơi bình đẳng

Từ thực tế đó, Luật Đấu thầu 2013 ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 được nhiều DN xây dựng trong nước đánh giá cao bởi tính minh bạch và công bằng trong đấu thầu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN trong nước. Luật Đấu thầu 2013 không ràng buộc về giá. Nếu như trước đây, các trường hợp nhà thầu bỏ giá thấp nhất đều trúng thầu thì Luật mới không bắt buộc lấy tiêu chí giá thấp nhất mà thay vào đó sử dụng tiêu chí xác định toàn diện, cả về kỹ thuật và năng lực tổ chức thi công. Nếu doanh nghiệp bỏ giá thứ 2 nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kỹ thuật thì vẫn trúng thầu.

Đặc biệt, một trong những điểm nổi bật trong Luật nhằm tạo ra sự minh bạch trong đấu thầu là cho phép áp dụng phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, nghĩa là túi hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được đánh giá trước và nhà thầu nào đáp ứng về kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật chất lượng thì mới được bóc túi hồ sơ về tài chính ra để cùng so sánh. Khác với, trước đây là mở cùng lúc cả hai túi tài chính và kỹ thuật. 

Bên cạnh đó, Luật đấu thầu mới quy định chỉ dùng một mẫu hồ sơ dùng chung cho cả dự án có vốn từ các nhà tài trợ cũng như nguồn vốn của Việt Nam đảm bảo minh bạch, tiệm cận hơn với luật pháp quốc tế, tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà thầu trong nước. Sau khi hoàn thành xong công trình nếu như chủ đầu tư không thanh toán tiền có thể kiện và đòi lãi suất từ số tiền còn nợ của chủ đầu tư.

Thu Phương - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Thanh Niên).

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục