Thu hồi dự án chậm tiến độ: Khó “vẹn cả đôi đường”!

(Kinhdoanhnet) - Giữa tháng 7 vừa qua, UBND Tp.HCM đã ban hành quyết định thu hồi gần 479 dự án phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng với tổng diện tích 4.390 ha ở tất cả các quận, huyện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để giải quyết tốt khâu “hậu thu hồi”, đảm bảo quyền lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.

Thu hồi dự án chậm tiến độ: Khó “vẹn cả đôi đường”! - Ảnh 1
Hầu hết các dự án nhà ở chậm tiến độ hiện nay đều do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng hoặc do chủ đầu tư khó khăn về tài chính.

Trong tổng số dự án chậm tiến độ tại TP. HCM, có tới 162 dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Tất cả các dự án này đã được công khai bằng văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng, nhưng không được phép gia hạn triển khai nữa. Như vậy, có thể nói rằng khả năng thu hồi giấy phép của các dự án nhà ở này trong thời gian tới là rất cao.

Tuy nhiên, điều mà các chủ đầu tư và người dân quan tâm là vấn đề xử lý hậu thu hồi dự án chậm tiến độ sẽ được địa phương giải quyết thế nào? Bởi trên thực tế, hầu hết các dự án nhà ở chậm tiến độ hiện nay đều do ách tắc ở khâu đền bù giải tỏa, hoặc do chủ đầu tư khó khăn về tài chính không thể thực hiện tiếp. Trong trường hợp dự án đã đền bù giải tỏa trên 50%, nếu muốn không bị thu hồi thì chủ đầu tư phải cam kết tiến độ bồi thường. Điều này đồng nghĩa với việc buộc chủ đầu tư phải nâng mức bồi thường để thỏa thuận với các hộ dân còn lại.

Cách làm này gây thiệt thòi cho doanh nghiệp, đồng thời gây mất công bằng với các hộ dân đã chấp nhận giá đền bù cũ và chuyển đi. Trong khi đó, nếu dự án bị thu hồi thì những khoản tiền chủ đầu tư đã đền bù cho người dân khó có thể được nhận lại vì địa phương sẽ không dễ có nguồn để chi trả. Chưa kể rằng, nếu thu hồi dự án rồi thì giá cả đền bù và tiến độ đền bù giải tỏa đã nhanh hơn. Các hộ chưa nhận tiền đền bù sẽ hoang mang không biết số phận mình thế nào khi chủ đầu tư bị loại.

Ngoài ra, đối với các dự án đang xây dựng dở dang, nếu có nguy cơ bị thu hồi thì những hộ dân “trót” mua nhà tại các dự án này luôn là đối tượng chịu thiệt thòi. Vì thông thường các doanh nghiệp huy động vốn của khách hàng mà không triển khai dự án thì nguồn vốn thường được đầu tư vào lĩnh vực khác. Do vậy, nếu dự án đổ bể, chủ đầu tư cũng khó có thể có tiền để trả lại cho khách hàng.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, vì số lượng dự án chậm tiến độ trên địa bàn quá lớn nên đơn vị này đề nghị UBND Tp.HCM giãn tiến độ xử lý các dự án nói trên 2-3 năm nữa. Trong thời gian này sẽ có các quy định về việc tính, thu tiền sử dụng đất hợp lý.
Trước mắt, để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư cũ tiếp tục dự án, sở kiến nghị xử lý các dự án chậm tiến độ theo 3 hướng. 

Thứ nhất, với các dự án sau khi hết thời gian gia hạn, nhưng chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư vẫn muốn tiếp tục thực hiện, thì Sở Xây dựng hướng dẫn lập thủ tục để doanh nghiệp thực hiện. Thứ hai, với các dự án nhà ở đã hoàn tất bồi thường 100%, các cơ quan có thẩm quyền xem xét năng lực của chủ đầu tư trước khi chấp thuận tiếp tục đầu tư. Thứ ba, với các dự án nhà ở quy mô lớn đã bồi thường trên 80%, chủ đầu tư không có khả năng bồi thường tiếp thì đề nghị hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy nhanh việc triển khai. Các trường hợp không thuộc 1 trong 3 trường hợp trên thì bắt buộc phải thu hồi dự án chậm tiến độ để đấu giá.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì các giải pháp nêu trên mới chỉ đưa ra hướng xử lý chung chung mà chưa có giải pháp nào tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hoặc nhằm thẳng vào những vướng mắc trong khâu đền bù. Việc giải quyết sau thu hồi dự án như thế nào hiện vẫn chưa được các sở, ngành và địa phương nhắc đến.

Thu Phương - (Tổng hợp theo TBNH).

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục