Thất bại giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng!

(Kinhdoanhnet) - Tính đến ngày 25/2/2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 10.796 tỷ đồng (đạt gần 36%), tổng dư nợ là 6.187 tỷ đồng (đạt 20,6%). Sau gần hai năm triển khai, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ đi được 1/5 chặng đường. Trong khi đó, theo mục tiêu ban đầu, gói tín dụng này sẽ hoàn thành giải ngân vào 1/6/2016, sau đúng 3 năm triển khai (1/6/2013).

Thất bại giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng! - Ảnh 1
Thất bại giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng!
 

Theo Bộ Xây dựng, Bộ đã tiếp tục đôn đốc thực hiện giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 25/2/2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 10.796 tỷ đồng (đạt gần 36%), tổng dư nợ là 6.187 tỷ đồng (đạt 20,6%). Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay với số tiền 6.376 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được số tiền 4.427 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, hiện đã cam kết cho vay số tiền là 4.420 tỷ đồng, giải ngân được 1.760 tỷ đồng.

Cùng với việc đẩy nhanh thực hiện giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cũng tập trung đẩy nhanh việc phát triển nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu nhà ở thương mại. Theo đó, hiện có 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ (tăng 14 dự án so với cuối năm 2014), với số lượng căn hộ ban đầu là 36.113 xin điều chỉnh thành 49.199 căn (tăng 13.086 căn hộ).

Bên cạnh đó, có 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (tăng 2 dự án so với cuối năm 2014) với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ.

Nhìn vào tốc độ giải ngân thực tế của gói 30.000 tỷ đồng, một điều dễ nhận thấy là mục quá xa vời trước mắt có nguy cơ không thể thực hiện. Nhiều chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp đã thẳng thắn cho rằng, gói 30.000 tỷ do Chính phủ và Bộ Xây dựng đưa ra đã thất bại thảm hại, không trông chờ gói 30.000 tỷ cứu BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, gói 30 nghìn tỷ, không thể cứu được thị trường BĐS và đã thất bại thảm hại. Càng ngày càng khó vì sản phẩm không có, chủ yếu sản phẩm ế là những sản phẩm có diện tích lớn, giá cao. Gói 30.000 tỷ chỉ là chất kích thích, không nên trông chờ, vì thật sự không có tác dụng”, ông Đực nói. Theo ông Nguyễn Văn Đực, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà ở thương mại nhiều, chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán, thu hẹp diện tích căn hộ để đáp ứng yêu cầu nhà ở xã hội để bán nhưng thủ tục rườm rà mất nhiều tháng mới phê chuẩn vài dự án mặc dù nhà ở xã hội phải hoàn thành ít nhất trong 6-7 tháng tới.

Cùng quan điểm, ông Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai gói 30.000 tỷ quá chậm, lượng giải ngân quá ít. Nhà ở thương mại đang dư thừa, nhà ở xã hội đã bán đến năm 2015 mới đưa vào sử dụng, người mua nhà vẫn chưa có nhà để ở, hàng tồn kho vẫn tiếp tục tồn kho.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, 30.000 tỷ đồng đưa vào thực hiện chính sách nhà ở xã hội sai lầm, chính sách nhà ở xã hội cần nhưng không thể cứu nguy được nền kinh tế.

Để nỗ lực hơn nữa trong việc giải ngân gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm 8 ngân hàng thương mại khác cùng tham gia cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng, gồm Eximbank, Baoviet Bank, SCB, PvComBank, TPBank, OCB, VPBank và SeABank.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng này, vừa qua Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã đề nghị NHNN xem xét hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội xuống 3-3,5%/năm Đồng thời kiến nghị tăng thêm thời gian vay lên 20 năm so với 15 năm như hiện nay và cho đối tượng vay mua nhà thời gian ân hạn 3 năm đầu không phải trả lãi gốc.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng Bộ Xây dựng đang tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển NOXH. Ðồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thêm các gói hỗ trợ khác nhằm mục tiêu tăng nhanh nguồn cung NOXH hiện đang còn thiếu, hỗ trợ, mở rộng thêm các đối tượng được thụ hưởng, nhất là những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, liệu gói tín dụng này có về đích đúng hạn hay không vẫn còn là một câu hỏi không dễ trả lời!

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Chính phủ, Dân Việt)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục