Sau 24 tháng, CĐT chậm đưa đất vào sử dụng sẽ phải nộp tiền thuê đất

(Kinhdoanhnet) - Vửa qua, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản Góp ý dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị, nên có giải pháp xử lý nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng.

Sau 24 tháng, CĐT chậm đưa đất vào sử dụng sẽ phải nộp tiền thuê đất - Ảnh 1
Chủ đầu tư không sử dụng đất hoặc chậm sử dụng đất theo quy định sau 24 tháng sẽ phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền bằng 50% tiền thuê đất hàng năm trong thời gian được gia hạn.

Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, hệ thống pháp luật về đất đai của Việt Nam đã ngày càng được hoàn thiện, Luật Đất đai 2013 và các nghị định  đã có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2014, về cơ bản đã tạo được hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để giải quyết nhu cầu sử dụng, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các chủ thể có liên quan, của người dân, của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chiếm tỷ trọng lớn đối với ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Tuy nhiên, Hiệp hội cũng cho rằng, qua quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh sửa đổi. Bộ Tài chính đã có dự thảo báo cáo tóm tắt về sự cần thiết bổ sung, sửa đổi Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về thu tiền sử dụng đất, và Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về thu tiền thuê đất của Chính phủ, kèm theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. 

Cụ thể, theo khoản (1.i) điều 64 Luật Đất đai 2013 đã quy định: "trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này". 

Nay điều 8 dự thảo quy định "mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định bằng tiền thuê đất hàng năm trong thời gian được gia hạn. Trường hợp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng khi chưa hết thời gian được gia hạn thì không phải nộp tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn còn lại". 

Về vấn đề này, Hiệp hội cho rằng, đối với dự án bất động sản nhà ở phần lớn đều thực hiện phương thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp đều đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Nhà nước. Khi chậm đưa đất vào sử dụng, trước hết doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều hậu quả rất lớn do bị đọng vốn, áp lực trả lãi vay, chưa có sản phẩm để kinh doanh đảm bảo tính thanh khoản... 

Do vậy, nếu thực hiện xử lý nghĩa vụ tài chính do chậm đưa đất vào sử dụng theo điều 8 dự thảo thì chưa hợp lý, hợp tình và sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, mà cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu chi phí này. Hiệp hội đề nghị sửa đổi điều 8 dự thảo theo hướng giảm nhẹ,như sau: 

Đối với chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất hoặc chậm sử dụng đất theo quy định tại điểm i khoản 1 điều 64 Luật Đất đai và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng thì phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được xác định bằng 50% tiền thuê đất hàng năm trong thời gian được gia hạn. Trường hợp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đưa đất vào sử dụng khi chưa hết thời gian được gia hạn thì không phải nộp tiền thuê đất đối với thời gian được gia hạn còn lại".

Theo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay Báo cáo UBND thành phố Hà Nội về kết quả rà soát 573 dự án khu đô thị mới, Sở Xây dựng cho biết có 17 dự án chậm hơn 2 năm, nhiều dự án bị trùng lặp và hàng chục dự án chưa phù hợp với quy hoạch. Cụ thể, tổng số dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liền kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa là 30 dự án. Chẳng hạn như dự án Xây dựng khu nhà ở để bán tại xã Mai Lâm (Đông Anh) và dự án xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở tại 139 Đại La.

Tổng số dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng thực hiện chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt gồm 17 dự án, trong đó có 3 dự án đã được UBND thành phố gia hạn tiến độ thực hiện dự án trong Giấy chứng nhận đầu tư; 2 dự án bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Đó là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Yên Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư và dự án khu đô thị mới Hạ Đình do Công ty Cổ phần Xây dựng Lắp máy điện nước Hà Nội làm chủ đầu tư.

Trong vài năm trở lại đây, Hà Nội thường xuyên có những đợt rà soát các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố để đôn đốc những dự án chậm tiến độ, không chịu triển khai, hoặc kiến nghị thu hồi đối với những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm và sử dụng đất sai mục đích. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân trong vùng dự án mà còn làm tình hình an ninh trật tự tại địa phương bị ảnh hưởng xấu.

Thùy Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục