Nhà sai phép được nộp phạt để tồn tại: Sẽ làm gia tăng sai phạm?

(Kinhdoanhent) - Bộ Xây dựng vừa có công văn 2316/BXD-TTr hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Thông tư 02/2014/TT-BXD về việc nộp phạt để tồn tại nhà xây trái phép. Quyết định này của Bộ Xây dựng đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nhà sai phép được nộp phạt để tồn tại: Sẽ làm gia tăng sai phạm? - Ảnh 1
Nhà sai phép được nộp phạt để tồn tại: Sẽ làm gia tăng sai phạm?

"Nới tay" cho chủ đầu tư?

Theo đó, tại công văn này, Bộ Xây dựng hướng dẫn chỉ áp dụng quy định nộp phạt bằng tiền đối với nhà xây sai phép, không phép khi thỏa mãn tất cả các điều kiện: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đã đưa vào sử dụng.

Cũng theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư sau khi nộp phạt đầy đủ và nộp số lợi bất hợp pháp theo quyết định, sẽ được làm thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân, cũng như cơ quan quản lý, sau khi chủ đầu tư hoàn tất việc nộp tiền trên, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép công trình được tồn tại và cấp giấy chứng nhận sở hữu theo quy định.

Tuy nhiên Nghị định số 121/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Hiện Bộ đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng quy định này với các trường hợp thỏa mãn điều kiện nộp phạt trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực, nghĩa là trước ngày 30/11/2013.

Như vậy, cơ quan tham mưu xây dựng Nghị định 121 đã “quên” chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Xem ra, với quy định có thể “ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị” như đánh giá của chính Bộ Xây dựng nhưng vẫn dễ dàng bị “quên” như trên, thì việc thiết lập lại trật tự, văn minh trong xây dựng đô thị vẫn là một mục tiêu xa vời. 

Bên cạnh đó, với quyết định phạt cho tồn tại nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Thay đổi thiết kế bên trong không coi là xây dựng sai phép

Các công trình nhà xây sai phép, không phép được nộp phạt bằng tiền để tồn tại khi thỏa mãn các điều kiện nhất định. Nhưng thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này lại chưa được ấn định cụ thể, giải quyết bất cập này ra sao? 

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Bộ Xây dựng có Thông tư 02/2014/TT-BXD quy định việc nộp phạt để tồn tại nhà xây trái phép, nhiều địa phương đã gặp không ít vướng mắc, bất cập khi triển khai vào thực tế. 

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, mới đây Bộ Xây dựng đã có công văn 2316/BXD-TTr hướng dẫn một số nội dung của các văn bản trên. Theo hướng dẫn này, chỉ áp dụng quy định nộp phạt bằng tiền với nhà xây sai phép, không phép khi thỏa mãn các điều kiện: Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, công trình xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, Nghị định 121 chưa quy định cụ thể về thời điểm xác định hành vi vi phạm được phép áp dụng quy định này. Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ áp dụng quy định này với các trường hợp thỏa mãn điều kiện nộp phạt trước ngày Nghị định 121 có hiệu lực, nghĩa là trước ngày 30/11/2013.

Cũng theo hướng dẫn của Bộ, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không coi là hành vi xây dựng sai phép: Thay đổi thiết kế bên trong mà không ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy, môi trường, công năng sử dụng, kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình, giảm số tầng so với giấy phép xây dựng đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt.

Ngoài ra, việc lấp ô thông thoáng hoặc tăng diện tích cầu thang (thuộc thiết kế bên trong công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ) mà không gây ảnh hưởng đến các yếu tố như phòng cháy chữa cháy, môi trường, công năng sử dụng, kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình thì cũng không coi là sai phép.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Đầu tư Bất động sản, PLVN)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục