Hà Nội: Dự án chung cư dưới 2 ha không phải lập quy hoạch chi tiết

(Kinhdoanhnet) - UBND Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (nhỏ hơn 2ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) cho phép lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 mà không phải lập quy hoạch chi tiết.

Hà Nội: Dự án chung cư dưới 2 ha không phải lập quy hoạch chi tiết - Ảnh 1
Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (nhỏ hơn 2ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) cho phép lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 mà không phải lập quy hoạch chi tiết.


Trên cơ sở Luật Quy hoạch đô thị, thành phố Hà Nội xác định các loại hình quy hoạch: Quy hoạch chung được lập cho thị trấn, thị xã, các đô thị (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái); quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong đô thị (đô thị trung tâm, các khu vực phát triển đô thị tại đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái và thị xã); quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng gồm khu vực đặc thù, khu đô thị, khu chức năng đô thị (kể cả khu vực hai bên tuyến đường), khu dân cư làng xóm hiện có thuộc khu vực phát triển đô thị.

Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (nhỏ hơn 2ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) cho phép lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 mà không phải lập quy hoạch chi tiết.

Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000; đảm bảo sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp về không gian kiến trúc với khu vực xung quanh. Trong trường hợp phải lập đồ án quy hoạch chi tiết (1/500), nếu có những nội dung khác với nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt mà không thay đổi phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch thì không phải lập lại nhiệm vụ quy hoạch. Người có thẩm quyền chỉ phê duyệt lại nhiệm vụ quy hoạch để đảm bảo sự thống nhất với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng.

Đây được coi là bước tiến rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, vốn thường rất mất thời gian ở khâu lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Đối với công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đơn chức năng như: Trạm bơm tiêu, tưới, trạm cấp nước sạch sinh hoạt, trạm biến áp bằng hoặc trên 110kV, trạm xử lý nước thải tập trung, cơ sở xử lý chất thải rắn, cho phép lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Việc xin ý kiến của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư có liên quan thực hiện theo quy định của đồ án quy hoạch chi tiết.

Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và các quy định khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, việc triển khai nhiệm vụ và đồ án được UBND thành phố giao các sở, ngành hoặc các cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý chuyên ngành tổ chức triển khai lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Đồ án thiết kế đô thị riêng để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. Việc tổ chức thẩm định và phê duyệt đồ án thiết kế đô thị riêng được thực hiện theo quy định đối với đồ án tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13/5/2013 và số 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị.

Thuỳ Dương - (Tổng hợp theo Thanh Niên, Thời báo ngân hàng).

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục