Dự án Tháp Tài chính Quốc tế( IFT ) đắp chiếu đến khi nào?

(Kinhdoanhnet) - Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) tọa lạc tại vị trí 220 đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) do Cty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt làm chủ đầu tư sau nhiều năm vẫn chưa thể triển khai thực hiện. Đến nay, dù được đánh giá là khu "đất vàng" song trước cảnh dự án vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm, khiến dư luận không khỏi xót xa.

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) nằm tại vị trí "đất vàng" 220 đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích hơn 13.000 m2, chiều cao 150m được dự kiến khởi công từ năm 2010, nhưng sau gần 8 năm, dự án vẫn nằm án binh bất động.
Dự án Tháp Tài chính Quốc tế( IFT ) đắp chiếu đến khi nào? - Ảnh 1
Dự án "bỏ hoang" đang được “tận dụng” làm bãi trông giữ xe ô tô(Ảnh BXD)

Theo quyết định 8506/QĐ–UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 29/12/2005, phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho đơn vị Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt - SCIC.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án này, trả lời trên báo Xây dựng, ông Lại Thế Quý - Trưởng phòng Tổ chức hành chính - Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC - Bảo Việt cho biết: Nói cho đúng thì dự án này không chậm tiến độ, mà vẫn đang triển khai theo đúng lộ trình.

Cụ thể, theo ông Quý, ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) cho Tổng Cty Bảo Việt nhân thọ. Theo Quyết định này, thời gian chuẩn bị đầu tư là quý I năm 2017 đến quý IV năm 2017. Giai đoạn thực hiện đầu tư là quý I năm 2018 đến quý III năm 2020 và bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng là quý IV năm 2020.

“Giai đoạn chuẩn bị đầu tư của chúng tôi kết thúc rồi và bắt đầu vào giai đoạn thực hiện đầu tư. Hiện nay, đã hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật và dự toán đang trình Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế bởi vì đây là công trình hạng A, hồ sơ đang nằm trên đó rồi…” – ông Quý thông tin.

Ông Quý cũng cho biết thêm, khu đất này từ trước đến nay vẫn thế, vẫn được giao cho Tổng Cty Bảo Việt nhân thọ. Năm 2015 là ở giai đoạn thiết kế cơ sở. Đến 2016, Tổng Cty Bảo Việt nhân thọ mới phê duyệt dự án và tiếp tục triển khai. Từ khi thành lập, Cty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Cty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt thì vốn của Bảo Việt nhân thọ là 30%. Vốn của Cty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, vốn của SCIC là 50%. Tức là vốn của Tập đoàn Bảo Việt 50% và SCIC là 50%. Năm 2014, Cty TNHH Bảo Việt – SCIC chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty CP với tên gọi Cty CP Đầu tư SCIC – Bảo Việt.

Theo quy hoạch dự án Tháp tài chính IFT được kỳ vọng nếu được khởi công xây dựng đúng tiến độ khi hoàn thành sẽ tạo ra bộ mặt, diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh, văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại hiện đại… thậm chí còn được kỳ vọng là tòa nhà xanh, thông minh của Hà Nội.

Dư luận đang đặt dấu hỏi về dự án nằm trên vị trí vàng của Thủ đô không hiểu vì sao vẫn nằm im, không được triển khai, trong khi TP Hà Nội đang quyết liệt rà soát, kiểm tra các dự án “găm đất” chậm tiến độ?

Ngày 3/1/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát trước khi thực hiện việc xem xét hủy các dự án giao đất quá 3 năm nhưng chưa thực hiện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt này, người dân Hà Nội hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng các dự án chậm tiến độ, dự án bỏ hoang và loại bỏ những chủ đầu tư không đủ năng lực, trả lại đất cho những doanh nghiệp làm thật. 



Minh Lý(t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục