10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang

(Kinhdoanhnet) - Bị khách hàng tố "đem con bỏ chợ", hủy bảo hiểm, tìm đủ cách “hành” khách hàng, bị khách hàng kiện rồi bị thua kiện... là những tai tiếng Bảo hiểm Prudential Việt Nam khiến nhiều người hoang mang.

Bảo hiểm Prudential bị tố cố tình đưa ra yêu sách, gây khó dễ cho khách hàng

Người tố cáo là chị Tạ Như Hoa trú tại quận Đống Đa, Hà Nội phản ánh về việc 4 hợp đồng bảo hiểm mà chị đã ký kết với Công ty bảo hiểm Prudential có nguy cơ bị công ty này chiếm dụng bằng các yêu cầu phi lý. Theo chị Hoa, chị đã tham gia 4 hợp đồng bảo hiểm tại Công ty Prudential và thực hiện việc đóng phí bảo hiểm định kỳ qua đại lý bảo hiểm là ông Đoàn Văn Hạnh.

10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 1
Chị Hoa đang trình bày với phóng viên những bức xúc của mình. 

Tuy nhiên, từ sau năm 2013, gia đình không thấy ông Hạnh đến thu tiền cũng như có bất cứ thông báo nào. Gia đình đã liên hệ với ông Hạnh thì được ông cho biết: “do sơ xuất nên quên”. Liên hệ đến Công ty Prudential, chị Hoa nhận được thông báo là Hợp đồng bảo hiểm đã quá hạn 24 tháng nên mất hiệu lực. Phía Công ty Prudential cũng cho biết đã liên lạc với chị nhiều lần nhưng lại gọi đến một số điện thoại hoàn toàn khác với số điện thoại mà tôi lưu ký trên hợp đồng.

Trong suốt thời gian từ năm 2013 đến nay, phía Công ty Prudential không hề có một văn bản nào gửi đến gia đình chị Hoa thông báo, nhắc nhở về việc chậm trễ hay không thực hiện cam kết của Hợp đồng bảo hiểm với Công ty. Chị Hoa bức xúc cho rằng, đây là một việc làm thiếu trách nhiệm và thể hiện rõ mục đích “gài bẫy” làm cho khách hàng vi phạm Hợp đồng.

Đến ngày 5/6, tại trụ sở của công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam gia đình khách hàng Tạ Như Hoa và đại diện công ty Prudential đã gặp nhau. Sau khi nghe lý giải từ phía Prudential Việt Nam, khách hàng Tạ Như Hoa yêu cầu hủy cả 4 hợp đồng đã tham gia vào công ty và được đại điện công ty là bà Nguyễn Thị Giang đồng ý. Số tiền chị Tạ Như Hoa nhận về từ phía công ty Prudential sau khi hủy cả 4 hợp đồng là 202.557.200 đồng.

Khách hàng tố Prudential không minh bạch lãi suất vay

Chị Lý Thị Kiều Diễm (ngụ tại TP HCM) cho biết, ngày 24/9/2008 chị vay 19 triệu đồng của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với lãi suất 1,5% một tháng, thời hạn 36 tháng. Theo hợp đồng, tổng số tiền thanh toán hằng tháng (vốn cộng lãi) là 816.500 đồng. Nếu thanh toán trước hạn, chị Diễm sẽ bị phạt 2% trên dư nợ gốc của khoản vay được trả trước.
10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 2
Ảnh: Báo Công Thương

Đến ngày 18/5, khách hàng này đến trụ sở Công ty Tài chính Prudential Việt Nam để làm thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn. Chị phải thanh toán số tiền 10.406.222 đồng (trong đó lãi phạt là 201.222 đồng). Tuy nhiên khi về nhà tính toán lại, chị Diễm thấy có sự chênh lệch, chị đã trả 19 kỳ với số vốn gốc 527.700 đồng một tháng nên tổng số vốn đã trả là 10.026.300 đồng. Tổng số tiền chị phải trả đáng lẽ chỉ còn 9.364.192 đồng. Khi liên hệ với Prudential thì chị được nhân viên cho biết công ty không tính vốn, lãi cố định mà thu vốn lãi theo từng thời kỳ khác nhau. 

Không đồng ý với cách giải thích, chị Diễm yêu cầu cung cấp bảng tính lãi và bảng trả nợ vay thì nhân viên này từ chối. Tiếp tục khiếu nại, chị thì nhận được thư phúc đáp với nội dung khách hàng đã thanh toán đầy đủ mà không có thắc mắc khiếu nại liên quan đến việc tất toán hợp đồng, nên Prudential không thể giải quyết những vấn đề liên quan phát sinh, báo VnExpress đưa tin.

Người khách này cho biết, điều chị cần nhất là biểu tính lãi suất thực tế của công ty Prudential đối với khoản vay của mình thì vẫn chưa nhận được. Khách hàng này đặt câu hỏi, chị chỉ vay 19 triệu đồng đã phải trả thêm hơn 1 triệu đồng để kết thúc trước hạn, thì đối với những khách hàng lớn với số tiền vay nhiều họ sẽ phải mất bao nhiêu tiền đây?.

Prudential bị khách 'tố' cho vay nặng lãi

Anh Phan Thanh Triều, quận Phú Nhuận, TP HCM, cho biết, ngày 18/8/2008 anh ký hợp đồng tín dụng 15 triệu đồng với Công ty tài chính Prudential Việt Nam, thời hạn 36 tháng, lãi suất 1,75% mỗi tháng. Khoản thanh toán hằng tháng 679.200 đồng, tháng thứ 35 là 676.700 đồng.

10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 3
Ảnh: VnExpress

Sau thời gian thực hiện hợp đồng, đến tháng 8/2010, anh Triều đến làm thủ tục xin chấm dứt hợp đồng vay trước hạn. Căn cứ theo điều 4, khoản 4.2 của phụ lục hợp đồng vay anh được quyền chấm dứt hợp đồng và chịu phí phạt 2% trên tổng dư nợ gốc. Tuy nhiên, Prudential lại căn cứ vào điều khoản quy định: "Theo yêu cầu của bên vay, bên cho vay có quyền nhưng không có nghĩa vụ cho phép bên vay trả trước hạn…". Hơn nữa, công ty cho biết thời gian này đang áp dụng chính sách chung tạm ngưng thực hiện yêu cầu tất toán trước hạn, chính sách này phù hợp với điều kiện và điều khoản chung của hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Do đó, Prudential không cho anh tất toán trước hạn.

Không chỉ bức xúc về điều này, anh Triều còn cho rằng cách tính lãi của Prudential có dấu hiệu "cho vay nặng lãi". Cụ thể, nếu tính ra thì lãi suất tháng 35 anh phải đóng lên tới 63% một tháng (413.700 đồng tiền gốc + 262.500 đồng tiền lãi) chứ không phải là 1,75 % mỗi tháng.

Ông Park Sung Hoo,Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tài chính Prudential Việt Nam trả lời rằng căn cứ điều 4.1, hợp đồng tín dụng cá nhân của khách hàng Phan Thanh Triều, lãi sẽ được tính trên khoản vay kể từ ngày rút vốn cho đến khi khoản vay được thanh toán đầy đủ. Do đó, ông khẳng định, lãi suất trong hợp đồng của khách hàng Triều vẫn là 1,75% mỗi tháng tính trên tổng khoản vay ban đầu.

Khách "tố" Prudential bán hàng "dụ bẫy rồi buộc nút"

Đầu tháng 11/2007, anh V.Đ.T (TP.Hồ Chí Minh) ký hợp đồng vay vốn 72 triệu đồng với công ty TNHH Một thành viên Tài chính Prudential (hợp đồng số 10000915). Phản ánh với VietNamNet, anh cho biết, trước khi ký hợp đồng, anh được tư vấn không rõ ràng.

Theo lời của nhân viên tư vấn, thời hạn của hợp đồng là 36 tháng, lãi suất 1.2%, số tiền phải thanh toán hàng tháng (gồm nợ gốc và lãi vay hàng tháng) là 2 triệu 863.900 đồng. Thời gian từ khi được tư vấn đến khi anh ký kết hợp đồng là khoảng gần 1 tháng. Trong thời gian này, nhân viên của Prudential cũng đã đến nhà để xác minh tình hình tài chính. Sau đó anh T. cũng đã trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn một lần nữa về nội dung của hợp đồng.

10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 4
Khi ký hợp đồng anh T. mới vỡ lẽ không được tư vấn rõ ràng. Ảnh: VietNamNet

Tuy nhiên đến khi ký kết hợp đồng, anh T. mới té ngửa, để vay 72 triệu đồng, ngoài số tiền nợ gốc và lãi sẽ phải thanh toán hàng tháng, anh còn phải chi trả 2 triệu 376.000 đồng lệ phí, đồng thời biết thêm thông tin nếu trả trước hạn sẽ bị phạt 2%.
Anh T. mong rằng nhiều khách hàng khác, trước khi ký kết hợp đồng vay vốn cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh trường hợp bị nhân viên tư vấn "nhập nhoạng" và mãi mang theo cảm giác bị giăng bẫy như anh.

Đại lý của Prudential tại Quảng Ninh lừa tiền bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng

Vào giai đoạn 2009 – 2011, một đại lý của Prudential tại Quảng Ninh có tên là Bùi Thị Thu Hằng đã vi phạm hợp đồng đại lý, mang tư cách pháp nhân và thương hiệu của công ty này cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tới trên 200 tỷ đồng  của người dân nơi đây. Đây là vụ việc chấn động vùng đất mỏ trong suốt một thời gian dài khi hàng chục gia đình rơi vào cảnh đổ vỡ…

Được biết, trong thời gian là đại lý chính thức của Prudential, Hằng phát hiện thấy một số người đã tham gia mua bảo hiểm của công ty này phàn nàn về thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời hạn ngắn hơn. Bằng vai trò đại lý của Prudential, Hằng còn bịa ra loại bảo hiểm ngắn ngày (90 ngày) gọi là hợp đồng VIP với lãi xuất cao. 

10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 5
Bùi Thị Thu Hằng trước vành móng ngựa. Ảnh: Lao Động Thủ đô

Từ 8/2009 đến 11/7/2011, Hằng và đồng bọn đã chiếm đoạt của 59 khách hàng trên địa bàn Quảng Ninh số tiền 228.885.600.000 đồng. Mặc dù sau đó Bùi Thị Thu Hằng cùng đồng bọn đã bị bắt, truy tố trước pháp luật và phải ngồi tù. Song, những đồng tiền xương máu trên vẫn chưa được trả về cho những người bị hại.

Điều đáng nói, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật có từ tháng 1/2011 nhưng đến tận tháng 6/2011, phía Công ty Prudential mới báo với cơ quan công an. Lý giải việc này với HĐXX, đại diện Công ty bảo hiểm Prudential (Tham dự phiên toà với tư cách nguyên đơn dân sự) đã nêu lý do chậm trễ là nhiều việc liên quan cần phải xử lý văn bản, giấy tờ cũng như phải tiến hành nhiều việc khác nữa.
Trao đổi với PV Kinh tế đô thị, những nạn nhân của Bùi Thị Thu Hắng khẳng định Prudential Quảng Ninh không thể rũ bỏ trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Công ty phải có trách nhiệm với các vấn đề do đại lý của mình gây ra.

Bỗng mất trắng 16 triệu đồng khi mua bảo hiểm Prudential

Gia đình ông Phan Văn Chí, (ngụ ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) rất bức xúc vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn bỗng dưng “mất” trên 16 triệu đồng khi mua bảo hiểm Prudential.

Theo ông Chí, vào ngày 31/12/ 2009 và ngày 2/2/2010, thông qua ông Võ Văn Thấn Ba - người bán bảo hiểm này tại địa phương, ông Chí có mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty Prudential cho bản thân ông và đứa cháu nội tên Phan Võ Thanh Thư . Theo đó, mỗi hợp đồng mua bảo hiểm này phải đóng 1.029.800 đồng/ quý.

 

10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 6
Prudential chi nhánh tại Tiền Giang.

Đến ngày 31/3/2011 và ngày 28/08/2013, do hoàn cảnh của gia đình ông gặp khó khăn (ông bị bệnh, con ông bị tai nạn giao thông) nên ông đề nghị xin được cắt hợp đồng, rút tiền ra. Nhân viên đại lý bán bảo hiểm này khuyên gia đình ông nên đóng tiền tiếp để trên 12 tháng mới “rút” tiền ra được. Ông Chí cố gắng làm theo nhưng cả người bán bảo hiểm và nhân viên của công ty Prudential (tại thành phố Mỹ Tho) đều phớt lờ yêu cầu của ông Phan Văn Chí. Ông đã nhiều lần đến Văn phòng của công ty Prudential (tại TP. Mỹ Tho) nhưng người có trách nhiệm lại cố tình né tránh.

Bà Phạm Thị Mai Liêm, đại diện công ty Prudential chi nhánh tại Tiền Giang cho biết, không rõ vấn đề này và đã chuyển đơn của ông Phan Văn Chí đến Ban Pháp chế của công ty tại TP. HCM. 

Công ty TNHH bảo hiểm Prudential bị khách hàng kiện

Bên cạnh nhưng “bê bối” trên, Công ty TNHH bảo hiểm Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang còn từng bị khách hàng kiện đòi tiền hợp đồng.

Theo đó, ông Hồ Văn Đằng - cha của bà Hồ Thị Thanh Ngoan (1978) ký hợp đồng bảo hiểm nhân với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 15/11/2003. Đến ngày 11/8/2006, ông Đằng bị bệnh chết, bà Hồ Thị Thanh Ngoan trở thành người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm hợp pháp của ông Đằng.

Bà Ngoan đã yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam có văn phòng đại diện tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang trả cho bà tiền bảo hiểm theo hợp đồng với số tiền 30.000.000 đồng nhưng công ty cho tằng ông Đằng đã 3 lần vi phạm về thời gian nộp phí, khi khôi phục lại hợp đồng ông Đằng đã không thực hiện đúng việc khai báo đầy đủ tình trạng sức khỏe nên Prudential Việt Nam  chỉ thanh toán số tiền ông Đằng đã đóng phí bảo hiểm từ khi khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm lần thứ hai đến ngày ông chết, cụ thể là 3.921.300 đồng.

Sau 2 lần ra tòa, ngoài số tiền phí bảo hiểm 3.921.300 đồng, Công ty TNHH bảo hiểm Prudential Việt Nam Chi nhánh An Giang đã phải hỗ trợ thêm cho bà Hồ Thị Thanh Ngoan tổng cộng là 15.000.000 đồng. Ngoài ra, công ty TNHH bảo hiểm Prudential phải chịu thêm số tiền phí bảo hiểm phải thanh toán 3.921.300 đồng.

Prudential thua kiện tại tòa phúc thẩm

Năm 2004, Prudential còn từng bị thua kiện và phải trả quyền lợi cho khách hàng sau nhiều phiên tòa. Tờ báo Vnexpress đưa tin, ông Vũ Quang Uông (giáo viên nghỉ hưu, quê Hải Dương), tối 23/3/2002, tại phố Giẽ, xã Tân Trường, Cẩm Giàng, Hải Dương do tránh ôtô đi cùng chiều, đường mưa trơn, ông bị ngã, chân trái bị gãy. Sau khi được điều trị qua nhiều bệnh viện, ngày 6/5/2002, tại Viện quân y 107, ông bị cắt cụt 1/3 cẳng chân trái do nhiễm trùng hoại tử phần mềm.

Trước đó, ông Uông đã mua 4 hợp đồng bảo hiểm của Prudential. Sau khi bị tai nạn, ông yêu cầu công ty bảo hiểm trả tiền theo thỏa thuận đã ký. Prudential không chấp nhận nên ông Uông khởi kiện ra TAND tỉnh Hải Dương. Cuối tháng 6/2004, vụ kiện được Hội đồng xét xử tuyên Prudential phải bồi thường 750 triệu đồng cho nguyên đơn. Cho rằng bản án không thoả đáng, Prudential chống án.
Ngày 16/12/2004, phiên phúc thẩm được mở và Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm, thậm chí còn buộc Prudential phải trả thêm trên 120 triệu đồng là khoản lãi phát sinh từ số tiền mà bị đơn phải bồi thường theo phán quyết của TAND tỉnh Hải Dương trước đó.

Khách hàng tố Prudential "đem con bỏ chợ"

Anh Đinh Ngọc Cẩn (38 tuổi, trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết rắc rối của mình xuất phát từ cách chăm sóc khách hàng kiểu “đem con bỏ chợ” của nhân viên Bảo hiểm Prudential.

10 vụ việc đầy tai tiếng BH Prudential Việt Nam gây hoang mang - Ảnh 7
Hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ của anh Đinh Ngọc Cẩn và Công ty Prudential. Ảnh: Gia đình Và Xã Hội.

Theo chia sẻ của anh Đinh Ngọc Cẩn trên báo Gia đình và Xã hội, anh bắt đầu tham gia hợp đồng với Bảo hiểm Prudential vào ngày 25/8/2012 qua kênh trung gian là ngân hàng Citibank với mức phí hợp đồng là hơn 20.000.000 đồng/năm, kéo dài trong vòng 14 năm. 5 năm tham gia mua Bảo hiểm Prudential (2012 – 2017), anh Cẩn liên tục gặp phải những rắc rối như ngân hàng Citibank nhập sai số giấy khai sinh của người thụ hưởng hợp đồng là cháu Đinh Nhật Minh - con trai anh.
Khi hợp đồng được chuyển giao trực tiếp về Bảo hiểm Prudential, anh không nhận được bất kỳ một quyền lợi nào được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm . "Họ chỉ cần ký xong hợp đồng rồi bỏ mặc khách hàng mà không có bất kỳ một sự liên kết nào dù chỉ là 1 cuộc gọi điện thoại”, anh Cẩn kể lại.

Tháng 12/2014, khi thay đổi địa chỉ nhà, anh Cẩn đã đến trụ sở của công ty Bảo hiểm Prudential để làm phiếu thay đổi thông tin hợp đồng. Nhưng 8 tháng sau, thì anh Cẩn mới nhận được thư xác nhận.

Ngoài ra, còn rất nhiều rắc rối mà anh Cẩn gặp phải trong quá trình tham gia bảo hiểm Prudential. “Đã nhiều lần tôi muốn hủy hợp đồng nhưng thấy số tiền nhận về không đáng là bao trong khi rắc rối đủ đường nên đành phải nhắm mắt tham gia tiếp”, anh Đinh Ngọc Cẩn bộc bạch.

Bảo hiểm Prudential bị phanh phui hàng loạt sai phạm

Theo báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra 9 tháng năm 2016 của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH), Bộ Tài chính cho thấy qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm.

Cụ thể, trong quý III năm 2016, Cục QLGSBH đã triển khai 3 cuộc thanh tra gồm: Công ty TNHH Dai-ichi Việt Nam, công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential và công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam.

Kết quả thanh tra cho thấy các doanh nghiệp này chấp hành không đúng quy định về việc tách quỹ chủ sở hữu, quỹ chủ hợp đồng; trích lập dự phòng nghiệp vụ; công tác chăm sóc, chi trả quyền lợi bảo hiểm; công tác quản lý đại lý; chi hoa hồng đại lý; công tác theo dõi, hạch toán công nợ; công tác hạch toán kế toán…

Theo 

PhapluatNet

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục