Vụ NH Xây Dựng: Nhiều ngàn tỷ trả lãi ngoài quy định?

Trong vụ án VNCB, các bị cáo khai chi rất nhiều tiền cho việc “chăm sóc khách hàng”, trả lãi ngoài quy định để huy động tiền gửi.

Dù không muốn, dân chúng vẫn phải quen với các vụ án nhiều trăm, nhiều ngàn tỷ trong thời gian gần đây như Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Công ty tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp ... và vụ án hiện đang xét xử là vụ Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây Dựng. Tiếp theo sẽ là bao nhiêu vụ nữa, bao nhiêu tiền nữa, bao giờ mọi việc mới kết thúc. Trong vụ án Phạm Công Danh, các bị cáo đã khai chi rất nhiều tiền cho việc “chăm sóc khách hàng”, trả lãi ngoài quy định để huy động tiền gửi cho Ngân hàng Xây Dựng, vậy sự thật thế nào, tại sao các bị cáo có thể làm được việc này?

Chi hàng ngàn tỷ không cần chứng từ

Theo Kết luận điều tra, Cáo trạng, Phạm Công Danh cùng các cá nhân đã rút từ Ngân hàng Xây Dựng hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ được xác định là dùng để chăm sóc khách hàng và không biết chi vào việc gì.

Theo lời khai của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây Dựng thì khi nhóm của Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, tình trạng của Ngân hàng này rất tồi tệ, nên bằng mọi cách Mai và Danh phải giữ được số tiền huy động thông qua việc chi tiền lãi ngoài, chăm sóc khách hàng.

Theo lời khai của một số bị cáo tại Tòa, chỉ cần khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng Xây Dựng thì ngoài lãi suất được hưởng theo quy định, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ chi ngay tiền chăm sóc khách hàng cho khách mà không cần bất cứ chứng từ nào.

Cũng theo các bị cáo, nếu không giữ được số tiền huy động, Ngân hàng Xây Dựng sẽ mất thanh khoản và không thể tồn tại. Các bị cáo hành động để cứu Ngân hàng Xây Dựng.

Vu NH Xay Dung: Nhieu ngan ty tra lai ngoai quy dinh?

Ngân hàng Xây Dựng có cần huy động để giữ thanh khoản?

Trong giai đoạn 2009 – 2011, thị trường biến động mạnh, thanh khoản của các ngân hàng không ổn định, nhiều ngân hàng trên thị trường đã phải chi trả lãi vượt trần, ngoài quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để huy động tiền gửi. Điều này thể hiện rõ ngay trong nội dung vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với danh sách đến hàng chục ngân hàng...

Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín từ tháng 2/2013. Thời gian này lãi suất, thanh khoản thị trường hoàn toàn ổn định, cùng với tác động của vụ Huỳnh Thị Huyền Như, các ngân hàng không có lý do và không dám trả lãi ngoài để huy động tiền. Thậm chí thời gian này các ngân hàng không tập trung tăng trưởng huy động vì tăng trưởng tín dụng chậm, không cho vay được, càng huy động càng lỗ.

Ngân hàng Đại Tín đã bị Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt. Thực hiện quyết định này, từ ngày14/2/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập một tổ Giám sát đặc biệt ngồi ngay tại Ngân hàng Đại Tín. Sau khi Ngân hàng Đại Tín chuyển đổi thành Ngân hàng Xây Dựng, Tổ Giám sát đặc biệt vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Mục tiêu của giám sát đặc biệt là kiểm soát và khôi phục hoạt động của ngân hàng, không để ngân hàng đổ vỡ, thiệt hại thêm làm ảnh hưởng đến hệ thống.

Với mục tiêu này, thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín, sau này là Ngân hàng Xây Dựng luôn được Ngân hàng Nhà nước đảm bảo. Hoạt động huy động vốn của Ngân hàng Xây Dựng cũng nằm trong sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đó, việc các bị cáo nêu phải huy động tiền gửi bằng mọi giá để giữ thanh khoản là bất hợp lý.

Tại sao lại có lời khai chi tiền ngoài?

Thực hiện quyết định kiểm soát đặc biệt, mọi khoản chi có giá trị trên 5 tỷ phải thông qua Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy nhóm Phạm Công Danh không thể dễ dàng rút tiền, dễ dàng chi tiền chăm sóc khách hàng ngoài quy định ngay tại Ngân hàng Xây Dựng.

Trong thời gian khoảng 1 năm, số tiền chi không rõ việc gì, chăm sóc khách hàng của Phạm Công Danh hơn 4000 tỷ đồng, trong khi vốn huy động bình quân của Ngân hàng khoảng hơn 20.000 tỷ đồng. Như vậy, số tiền rút ra chi không rõ nội dung, chăm sóc khách hàng là xấp xỉ 20%, tính trên số tiền huy động. Đây là một mức chi ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai, không thể tin được trên thị trường, nếu không nói là phi lý.

Phải chăng Phạm Công Danh và các cá nhân khác khai phải “chăm sóc khách hàng” hàng ngàn tỷ đồng để tránh trách nhiệm? Để không phải lý giải hàng ngàn tỷ đồng đã đi vào đâu, hàng ngàn tỷ đồng nay chỉ xác định vào những lời khai vô căn cứ, không hợp lý.

Với mục tiêu “cao cả” là cứu Ngân hàng Xây Dựng, Phạm Công Danh đã làm “con thuyền Ngân hàng Xây Dựng” chìm nhanh hơn, kéo theo nhiều nạn nhân hơn là những bị cáo trong vụ án, gây thiệt hại nhiều hơn cả chục ngàn tỷ đồng so với “con thuyền sắp đắm” trước đó.

Theo Thanh Hà/Báo Đất Việt

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục