Vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm chì: Đền bù theo kiểu “Mua bán vịt trời”

(Kinhdoanhnet)- Thông tin URC chi 3,9 tỷ đồng để bồi thường cho 40 000 thùng nước C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép đang được dư luận hết sức quan tâm . Vấn đề đặt ra ở đây là nhà sản xuất có xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng khi các tiêu chí đưa ra để khách hàng được nhận tiền đền bù không khác gì “mua bán vịt trời”…

Như báo Kinh doanh và pháp luật đã phản ánh, thời gian vừa qua, Dư luận cả nước rúng động với vụ việc Thanh tra bộ Y tế có kết luận nước C2 và Rồng Đỏ của Công ty URC có hàm lượng chì vượt mức cho phép.

 Một lần nữa, người tiêu dùng lại bị “đầu độc” theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Với 40.000 thùng C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì được tiêu thụ hết trước tháng 6/2016, sẽ không ngoa ngôn khi gọi nhà sản xuất này là vô nhân đạo. Sự việc có lẽ chỉ bị phát hiện và dừng lại khi cơ quan chức năng vào cuộc. Song nếu đặt vấn đề ở những khoảng thời gian trước tháng 6/2016 thì không một ai đảm bảo được hàng triệu sản phẩm của URC không có  hàm lượng chì vượt mức cho phép? URC đã thản nhiên “đầu độc” người tiêu dùng Việt biết bao lâu nay. Và hiển nhiên ban lãnh đạo của URC, những người nắm rõ sản phẩm của mình “an toàn” đến thế nào, sẽ phải cấm người thân không được sử dụng.

   Vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm chì:  Đền bù theo kiểu “Mua bán vịt trời” - Ảnh 1
Những sản phẩm này người của URC có dám sử dụng?

 

Việc URC bị xử phạt là đương nhiên nhưng còn sức khỏe người tiêu dùng khi lòng tin của họ bị đánh cắp thì vẫn chỉ là một dấu chấm hỏi. Con số 3,9 tỷ đồng mà nhà sản xuất dự kiến dùng để đền bù cho người tiêu dùng bị nhiễm độc chì do uống phải nước C2 hay Rồng Đỏ đang khiến dư luận dậy sóng. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này của nhà sản xuất không khác gì một cách mỵ dân theo kiểu “mua bán vịt trời”

Trao đổi với PV, Luật gia Nguyễn Bằng Phi, Công ty Quốc luật và Sở Hữu cho biết, việc người tiêu dùng nhận được tiền bồi thường của nhà sản xuất trong vụ việc này là rất khó khăn,  nếu không muốn nói là không thể. Bởi trên thực tế, người tiêu dùng muốn nhận được tiền đền bù thì phải theo phán quyết của tòa án. Và khi đã ra tòa, người tiêu dùng khó có thể chứng minh được mình đã dùng nước C2 hay Rồng Đỏ và bị nhiễm chì vì liên quan đến hóa đơn chứng từ mua hàng, phiếu xét nghiệm, giấy khám chữa bệnh, thời gian sử dụng sản phẩm vv …Và trên thực tế, hầu như 100% người Việt khi uống nước giải khát đâu có lấy hóa đơn.

Chị Nguyễn Thị Lâm, một hộ kinh doanh tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm cho biết, chị thường xuyên sử dụng nước C2 và Rồng Đỏ nhưng chẳng bao giờ chị thấy có hóa đơn. Chị Lâm cũng khẳng định 100% quán nước vỉa hè không có hóa đơn khi bán hàng.

   Vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm chì:  Đền bù theo kiểu “Mua bán vịt trời” - Ảnh 2
Người tiêu dùng Việt Nam liệu có nhận được tiền đền bù từ nhà sản xuất ?

Thực tế khác ở Việt Nam là rất hiếm xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức nhận được tiền bồi thường do đã sử dụng phải sản phẩm không đảm bảo an toàn. Và cũng hiếm khi cá nhân người tiêu dùng khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường. Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng cần “liên kết” với nhau lại, hàng trăm, hàng ngàn người để đưa nhà sản xuất ra công lý. Yếu tố vật chất chỉ là khía cạnh, nhưng đó là hành động lên án mạnh mẽ nhất cách làm ăn gian dối.

Trong sự việc của URC, dư luận càng bất bình hơn khi sự việc xảy ra hơn một tháng, nhà sản xuất này mới xin lỗi người tiêu dùng. Và đắng lòng cho người tiêu dùng Việt là lời xin lỗi đó lại được viết trên facebook của C2 chứ không phải ở trên báo chí-truyền thông. Một người tiêu dùng mất không quá 10.000đ cho một chai C2 hay Rồng Đỏ nhưng nhiều người tiêu dùng thì con số đó lên đến nhiều tỉ đồng. Nhà sản xuất không chỉ đầu độc người mua mà còn trục lợi gian dối để cuối cùng chỉ là một lời xin lỗi thiếu thiện chí và một phương án bồi thường như “mua bán vịt trời” .

 

Hữu Nam

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục