Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: 3,9 tỷ có làm giảm ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ người Việt?

(Kinhdoanhnet)- Thông tin về nhà sản xuất nước C2, Rồng đỏ dự kiến bồi thường 3,9 tỷ đồng cho người tiêu dùng bị nhiễm độc chì do uống phải nước C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép đang khiến dư luận dậy sóng. Bởi theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiễm độc chì về lâu dài là vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển về thể chất và trí tuệ của người Việt Nam.

Như báo Kinh doanh và Pháp luật đã đưa tin, trong những ngày vừa qua, vụ việc Công ty URC cho xuất xưởng những chai nước ngọt có hàm lượng chì vượt mức cho phép tiếp tục nóng trở lại bởi yêu cầu bồi thường thiệt hại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Con số đền bù được đưa ra dự kiến khoảng 3,9 tỉ đồng dựa trên giá trị số sản phẩm chưa được thu hồi, tính theo giá nhà sản xuất bán cho các đại lý. Trong đó, có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà URC phải thu hồi. Tuy nhiên, URC chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, số còn lại là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tức là có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức có thể đã và sẽ đi vào cơ thể người tiêu dùng.

Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: 3,9 tỷ có làm giảm ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ người Việt? - Ảnh 1

URC thừa nhận mới chỉ thu hồi hơn 1.000 thùng sản phẩm trong tổng số hơn 41.000 thùng C2 và Rồng Đỏ 

có lượng chì vượt mức cho phép đã lưu thông ngoài thị trường.

Vấn đề mà dư luận quan tâm ở đây không phải số tiền là bao nhiêu mà là việc liệu số tiền đó có thể đến được tay người tiêu dùng, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bởi các sản phẩm lỗi này hay không? Và bên cạnh đó là hệ quả về lâu dài mà người tiêu dùng đã, đang và sẽ phải gánh chịu bởi những độc hại từ việc nhiễm độc chì kéo dài theo thời gian. 

Về vấn đề này, theo Luật gia Nguyễn Bằng Phi (Công ty Quốc luật và sở hữu) thì người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6 Điều 8 và có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d Điều 9 Luật An toàn thực phẩm và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra theo khoản đ Điều 9 của bộ luật này.

Tại điều 604 Bộ Luật dân sự có quy định về các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Theo đó căn cứ quan trọng nhất để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là "thiệt hại xảy ra trên thực tế". Thiệt hại đó có thể bao gồm: Thiệt hại về vật chất (tính mạng, sức khỏe, tài sản...), thiệt hại về tinh thần và toàn bộ chi phí hợp lý để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại đó.

Tuy nhiên, để xác định điều đó, người tiêu dùng cần phải đến khám tại các trung tâm y tế có đủ điều kiện vật chất, trang thiết bị mới xác định được mức độ nghiêm trọng của việc nhiễm độc chì, tuy nhiên phải uống nhiều và đối với những người có cơ địa nhạy cảm thì mới thấy luôn được hậu quả còn những người mới chỉ sử dụng một hai lần thì có thể cần một thời gian dài, các chất độc mới bắt đầu gây tác hại cho cơ thể. Đây chính là những rào cản lớn để người tiêu dùng Việt Nam khó có thể khởi kiện để nhận được tiền đền bù từ nhà sản xuất.

Theo Bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Nhiễm độc chì trong thực phẩm rất nguy hiểm. Bởi “chì là một kim loại nặng thuộc nhóm kim loại độc cần phải lưu tâm. Nếu ăn (hoặc uống) với hàm lượng nhiều sẽ có thể xảy ra nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc mức độ dung nạp hàm lượng chì vào cơ thể của người dân. Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh về lâu về dài” . Ông Hưng cũng lưu ý: Theo quy định, các tiêu chuẩn về đồ uống đóng chai phải đạt giới hạn hàm lượng chì cho phép là 0,05mg/l, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. 

 Trên thực tế đáng báo động là theo kết quả kiểm tra của Bộ Y tế, hàm lượng chì trong nước C2 của URC lên đến 0,085 mg/l và của nước tăng lực Rồng đỏ là 0,068mg/l. 

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với hàm lượng chì trong C2, Rồng Đỏ như trên, nếu người dùng uống trong thời gian ngắn sẽ chưa có biểu hiện bệnh ngay bởi chì cần thời gian để tích lũy. Người tiêu dùng uống loại nước này suốt thời gian dài, liên tục thì có nguy cơ tích tụ chì trong cơ thể. 

Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: 3,9 tỷ có làm giảm ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ người Việt? - Ảnh 2
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Nói về việc nhiễm độc chì, Ths. Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết:  Người có hàm lượng chì tích tụ trong cơ thể cao có Biểu hiện ngộ độc chì, nặng thì có thể hôn mê, co giật giống như viêm màng não, viêm não, hoặc thiếu máu không rõ nguyên nhân, hoặc chậm phát triển thể chất, tinh thần giống các bệnh về thần kinh, tâm thần. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ngộ độc chì chỉ biểu hiện ở mức độ kín đáo. Với khả năng nhận biết của cộng đồng và ngay cả với nhân viên y tế, bác sĩ khi khám bệnh bằng các phương pháp thông thường cũng có thể không phát hiện ra biểu hiện nhiễm độc chì. 

TS BS CKII Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai): Chì ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển đến thể chất và trí tuệ của con người, nhất là đối với những phụ nữ có thai. Nếu ngộ độc chì có thể tử vong, nhất là trẻ con, do hôn mê và co giật do tổn thương thần kinh Trung ương gây hủy hoại và thoái hóa thần kinh.

Các khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy người mẹ mang thai bị nhiễm độc chì thường sinh non, ở khoảng 37 tuần tuổi. Trẻ ra đời chỉ nặng trung bình 2kg, não bị tổn thương, thiếu máu, chậm phát triển, chậm biết bò, đi, nói và giao tiếp so với những trẻ bình thường khác.

Điều nguy hiểm nhất là những triệu chứng nhiễm độc chì thường rất khó nhận biết ngoại trừ trường hợp nhiễm độc cấp tính, biểu hiện bằng những cơn hôn mê, co giật, giống như viêm màng não, viêm não. Còn thì nó chỉ là kém ăn, da xạm, xanh tái, tri giác lơ mơ như các bệnh về thần kinh, tâm thần.

Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục đồng hành cùng người tiêu dùng trong vụ việc này và thông tin kịp thời tới độc giả những tình tiết mới nhất.  

Hữu Nam

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục