Thanh Hóa: Xây dựng trái phép ồ ạt trên hành lang đê

(Kinhdoanhnet) - Không xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm các vi phạm hành lang đê điều, chính quyền buông lỏng quản lý để cho những ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất mượn, mái đê, bên ngoài đê nằm trong diện giải tỏa, lấn chiếm đất phía bờ sông thuộc hành lang bảo vệ đê điều thoát lũ. Đó là thực trạng đang xảy ra gây bức xúc cho nhiều người dân ở xã Hoằng Long , thành phố Thanh Hóa.

Theo phản ánh của người dân và qua tìm hiểu của phóng viên Báo Kinh doanh và Pháp luật, dọc tuyến đê tả sông Mã đã và đang tồn tại nhiều  công trình xây dựng trái phép, vi phạm hành lang đê. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng khong biết vì sao đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo quan sát của Phóng viên, việc người dân xây dựng nhiều công trình kiên cố trên mái đê, trong hành lang bảo vệ đê đã và đang tiềm ẩn nguy cơ làm hư hại kết cấu có thể dẫn đến vỡ đê. Việc có quá nhiều công trình vi phạm hành lang đê sẽ đe dọa mức độ an toàn cho toàn bộ hành lang tuyến đê và đe dọa cuộc sống của người dân trong khu vực.

Trao đổi với Phóng viên, ông Lê Khắc Viễn chủ tịch UBND xã Hoằng Long cho biết : “Những công trình vi phạm tồn tại từ nhiều năm trước đến nay rất khó xử lý”.

Tuy nhiên trên thực tế, theo tìm hiểu của Phóng viên, không chỉ có các công trình xây dựng vi pham hành lang đê từ trước, hiện tại cũng xuất hiện nhiều công trình vừa xây xong. Đáng chú ý nhất là vào tháng 4/2016, hai bên đường đê tả sông Mã xuất hiện một số công trình xây dựng của ba hộ dân. Trong đó một hộ được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố cấp giấy phép xây dựng, còn hai hộ xây dựng không  phép, xây dựng kiên cố trên đất “mượn kinh doanh”, đất nằm trong diện giải tỏa do vi phạm khoản 5 điều 7, chương I luât đê điều.

Thanh Hóa: Xây dựng trái phép ồ ạt trên hành lang đê - Ảnh 1
Nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng vi phạm hành lang đê điều

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của  Luật đê điều: Nghiêm cấm các hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều

Theo quy định tại Luật Đê điều (số 79/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 thì quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê phải được rà soát, bổ sung định kỳ mười năm một lần hoặc khi có sự biến động do thiên tai, có sự thay đổi về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh, chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, hành lang bảo vệ đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê ở các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 m về phía đồng, 20 m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 m về phía biển đối với đê biển. Riêng những công trình, nhà ở (trong hành lang bảo vệ đê) không phù hợp quy hoạch đều phải di dời. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, trong khi chưa di dời có thể sửa chữa, cải tạo nhưng không được mở rộng mặt bằng. Luật Đê điều cũng quy định rõ, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi hoặc các tác động tự nhiên gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn của đê điều thì phải báo ngay cho UBND nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước quản lý đê điều trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý. 

Câu hỏi đặt  ra ở đây là tại sao các công trình xây dựng trái phép vi phạm hành lang đê ở xã Hoàng Long, thành phố Thanh Hóa dù đã được chính quyền sở tại phát hiện vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí nhiều công trình vi phạm mới vẫn vẫn tiếp tục  mọc lên trên hành lang đê đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân do mất an toàn trên toàn tuyến đê Sông Mã.

Báo Kinh doanh và Pháp luật xin chuyển những nội dung này đến UBND thành phố Thanh Hóa các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa để kịp thời kiểm tra xử lý và có giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho hành lang đê tả Sông Mã.

Anh Tuấn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục