Sai phạm tại Công ty Inimexco Hải Dương: Thêm một người về nước và tâm thư của người ở lại

(Kinhdoanhnet)- Thêm một lao động nữa (chị Lê Thị Hải Lý) đã được đưa về nước trong ngày 22/3. Công ty CP Xuất nhập khẩu Inimexco Hải Dương cần đẩy nhanh tiến độ để đưa lao động còn lại (chị Nguyễn Thị Huệ) về nước trong thời gian sớm nhất.

Theo nguồn tin của các lao động tại Liên bang Nga, chị Lê Thị Hải Lý (địa chỉ ở Đăk Nông) đã lên máy bay lúc 10h30’ ngày 22/3 theo giờ Việt Nam. Như vậy, hiện giờ chỉ còn lại lao động Nguyễn Thị Huệ (địa chỉ ở Hà Nội) vẫn còn mắc kẹt tại Nga chưa thể về nước.

“Em mong các anh các chị giúp đỡ em để em nhanh được về nước. Em rất nhớ gia đình”, đó là thông điệp kêu cứu đầy khẩn thiết của chị Huệ đối với các cơ quan chức năng và báo đài.

Trong thời gian các lao động vẫn bị “giam giữ” tại Liên bang Nga, chị Huệ có viết tâm thư gửi tới Cục Quản lý lao động ngoài nước “bóc trần” những việc làm sai phạm của Công ty CP Xuất nhập khẩu Inimexco Hải Dương, đồng thời khẩn thiết kêu gọi cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa họ về nước, “về với quê hương chôn rau cắt rốn, để được làm người”!

Sai phạm tại Công ty Inimexco Hải Dương: Thêm một người về nước và tâm thư của người ở lại - Ảnh 1
 Đơn khiếu nại của các lao động đang làm việc trái phép tại Liên bang Nga

Báo Kinh doanh & Pháp luật xin được đăng tải nguyên văn nội dung bức thư nêu trên:

“Em xin chào các anh các chị trong Cục Quản lý lao động ngoài nước ạ.
Em xin các anh, các chị hãy giúp đỡ chúng em. Chúng em sợ lắm anh, chị ạ. Vụ việc của Hà Thị Nhung hôm qua làm cho chúng em càng sợ hãi và lo lắng gấp bội. Rồi đây những con người thấp cổ bé họng như chúng em rồi sẽ ra sao?

Em xin các anh, các chị xin hãy giúp đỡ chúng em! Chúng em ở đây, bao nhiêu con người khốn khổ mà không ai dám đấu tranh. Họ phải nhẫn nhục chịu đựng, chấp nhận làm việc như trâu cày trên sỏi đá mà đồng lương họ nhận được không bằng ở Việt Nam. Nhưng mà những người như họ dường như không có sự lựa chọn chị ạ.

Sai phạm tại Công ty Inimexco Hải Dương: Thêm một người về nước và tâm thư của người ở lại - Ảnh 2
Nơi ở tồi tàn tại khu nhà xưởng bỏ hoang do người lao động trực tiếp gửi về từ LB Nga

Chúng em như những con người cày thay trâu trên đất toàn gạch ngói, cứ cày mà không có thóc, không có thu hoạch. Thử hỏi những con người đưa chúng em đi có bao giờ họ đặt địa vị của họ vào vị trí của bọn em chưa, hay là họ chỉ biết lợi ích của riêng họ thôi? Những con người đó họ đã từng nghe chúng em tâm sự, đã nghe những giọt nước mắt của chúng em rơi nhưng có bao giờ họ cảm thông cho chúng em một chút ít về tình cảnh khốn khổ của chúng em không?

Trong họ dường như cái mà ai cũng gọi là "lương tâm con người" dường như đã không còn, chỉ có tiền là tất cả. Nhưng họ đâu biết được rằng tiền thì quan trọng thật nhưng tiền đâu mua được cái đức của con người, tiền đâu mua được cái đức mà con cái của họ sau này được hưởng. Nếu gia đình của họ làm việc vất vả mà không có tiền, cày như trâu ngày làm 16-18 tiếng như chúng em thì họ sẽ làm như thế nào? Liệu họ có chấp thuận cho gia đình của họ vẫn tiếp tục làm không? Em nghĩ chắc là không bao giờ có đúng không anh, chị?

Vậy mà họ sẵn sàng đưa chúng em đi, rồi lừa chúng em hết lần này đến lần khác là sẽ đưa chúng em về nhưng cuối cùng vẫn chỉ là con số 0. Có khi nào những con người thấp cổ bé họng như chúng em, những con dân “quèn” của xã hội như chúng em không có quyền được kêu cứu, không có quyền được đòi làm người sao hả anh, chị?

Sai phạm tại Công ty Inimexco Hải Dương: Thêm một người về nước và tâm thư của người ở lại - Ảnh 3
  Hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Nga của Công ty Inimexco Hải Dương

Em xin các anh, các chị hãy giúp đỡ chúng em, để chúng em có một chút quyền làm người! Xin hãy cho chúng em được mang cả thể xác lẫn tâm hồn được trở về nước! Xin hãy giúp đỡ chúng em để chúng em được trở về Việt Nam nơi mà có người mẹ đang mong tin con từng ngày, nơi mà đứa con thơ đang bập bẹ mong đợi tin của mẹ! Em xin anh, chị hãy giúp đỡ chúng em, xin hãy cứu vớt chúng em! Chúng em giờ chỉ còn những hơi thở thoi thóp. Xin hãy vớt chúng em lên, hãy cho chúng em làm những công dân thực sự của đất nước, được có quyền lợi của người công dân.

Chúng em mong tin anh, chị rất nhiều. Chúng em xin chân thành cảm ơn!”

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Nam Hưng

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com

 


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục