Qua hai cấp xét xử vẫn lọt tội Prudential?

Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) kháng nghị kết quả hai cấp xét xử phúc thẩm và sơ thẩm vụ án siêu lừa của đại lý Cty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Cty Prudential) tại tỉnh Quảng Ninh với lý do: Bỏ lọt trách nhiệm của Cty Prudential, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự và án phí dân sự để điều tra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Kể từ thời điểm kháng nghị đã 11 tháng trôi qua, nhưng vụ việc vẫn “án binh bất động”. Dư luận nghi ngờ về “ngâm án”.

Qua hai cấp xét xử vẫn lọt tội Prudential? - Ảnh 1
Nhiều cơ quan ngôn luận quan tâm vụ án siêu lừa đảo - đại lý của Cty Prudential. Ảnh: Thế Lữ

Tóm tắt sự việc

Bùi Thị Thu Hằng (SN 1984, trú tại tổ 16, khu 1, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) trong thời gian là đại lý chính thức của Cty Prudential đã phát hiện một số người mua bảo hiểm Prudential phàn nàn về thời gian đóng bảo hiểm quá dài và có nguyện vọng mua loại bảo hiểm có thời gian ngắn hơn. Hằng cùng chồng là Nguyễn Văn Hùng cấu kết với nhiều người khác tiếp thị cho nhiều người mua lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của những người hủy ngang để tiếp tục duy trì. Theo lời giải thích của nhóm này, khi hết hạn hợp đồng sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng hoặc mua gói bảo hiểm “Phú An Khang hưu trí” 100 triệu đồng thì mỗi tháng được nhận lương chuyển vào tài khoản từ 4 - 5,5 triệu đồng. Hết thời hạn 20 - 30 năm sau sẽ được thanh toán tiền gốc. Với mác đại lý của Cty Prudential, nhóm này bịa ra nhiều loại bảo hiểm ngắn ngày, gọi là hợp đồng VIP. Nhiều người dân nhẹ dạ cả tin đã sập bẫy và mất tiền tỷ.

Theo kết quả điều tra, tính từ tháng 4/2010 đến 22/9/2011 (đến thời hạn Hằng bị bắt) nhóm của Hằng đã chiếm đoạt của 59 khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với số tiền gần 229 tỷ đồng.

Thế nhưng, tháng 3/2011, Cty Prudential vinh danh đại lý Bùi Thị Thu Hằng trong bảng vàng của Cty và là một trong ba ngôi sao của Prudential trong toàn quốc dẫn đầu về doanh thu.

Xác định trách nhiệm của Cty Prudential

Những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Hằng và cộng sự đã được người dân phản ánh đến cơ quan chức năng.

Ngày 17/10/2013, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử phiên sơ thẩm (Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2013/HS-ST) và sau đó là Bản án hình sự phúc thẩm số 347/2014/HS-PT ngày 27/6/2014 của TANDTC. Cả hai cấp xét xử nói trên chỉ xoáy vào nội dung “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với việc dẫn chiếu Điều 42 Bộ luật Hình sự là quy định chung và Điều 604 Bộ luật Dân sự.

Sai sót lớn là cả hai cấp xét xử trên đã không tham chiếu (luật chuyên ngành) Luật Kinh doanh bảo hiểm ở Điều 84, Điều 88, Điều 15 và Điều 93 Bộ luật Dân sự; Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm của Chính phủ tại (Khoản 2, điểm e, Điều 29) và Khoản 6.2 Điều 6 của Hợp đồng đại lý, dẫn đến hệ lụy là cả hai Bản án sơ thẩm và phúc thẩm thiếu thuyết phục. Do vậy, trong Kháng nghị số 41/215/KN-HS của Chánh án TANDTC đã kết luận: “Thiếu trách nhiệm của Cty Prudential trong việc kiểm tra, giám sát đại lý, quản lý hồ sơ chứng từ đã tạo điều kiện để Bùi Thị Thu Hằng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Vì vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định Cty Prudential là nguyên đơn dân sự trong vụ án trên là không phù hợp… Hơn nữa, Hằng là đại lý chính thức của Cty Prudential, có những hợp đồng Hằng sử dụng phiếu thu thật của Cty Prudential phát hành ra để thu tiền của khách hàng. Như vậy, Cty Prudential cũng phải có trách nhiệm liên đới với đại lý Bùi Thị Thu Hằng trong việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Do đó, cần phải xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Cty Prudential…”.

Do cách xét xử, nhìn nhận chưa đa diện đa chiều, chưa đúng bản chất của sự  việc, lại thiếu sự đối chiếu, viện dẫn các cơ sở pháp lý ở các bộ luật, quy định khác có liên quan, cho nên bản án của hai cấp xét xử đã để lọt trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên đới trực tiếp đến hoạt động vi phạm pháp luật của nhóm Hằng và cộng sự.

Từ những dấu hiệu bất thường trong hoạt động tố tụng ở hai cấp nói trên, cho nên TANDTC đã xem xét lại toàn bộ vụ việc. Từ kết quả xem xét lại, ngày 17/9/2015, TANDTC đã ban hành Quyết định Kháng nghị số 41/2015/KN-HS đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 347/2014/HS-PT ngày 27/6/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 151/2013/HS-ST ngày 17/10/2013 của TAND tỉnh Quảng Ninh: “Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên về phần trách nhiệm dân sự, án phí dân sự để điều tra giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Vụ án đang đi đến hồi kết. Đây là một bài học lớn về hoạt động tố tụng ở các cấp. Bản chất cốt lõi cần được làm rõ, tránh những lệch lạc dẫn đến kết quả xét xử thiếu thuyết phục… Ở vụ án này, cơ quan tố tụng Quảng Ninh đã bỏ lọt tội “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ Luật Hình sự, do vậy bỏ qua trách nhiệm liên đới của Cty Prudential về bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Kết quả xét xử chỉ coi Cty Prudential là nguyên đơn dân sự, mà đúng ra phải xem xét ở góc độ là đối tượng có “Quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Do không áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác cho nên qua hai cấp xét xử, Prudential “thoát” trách nhiệm đền bù thiệt hại do đại lý của mình gây nên! Dẫn đến đẩy “trách nhiệm dân sự” về phía Bùi Thị Thu Hằng và cộng sự dưới góc độ phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Có nghĩa là Hằng và cộng sự chịu trách nhiệm “bồi thường dân sự” cho bị hại, Cty Prudential đứng ở ngoài vòng.

11 tháng trôi qua, nhưng “vụ việc” vẫn án binh bất động. Khi nào thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên hủy hai bản án của hai cấp xét xử để điều tra, giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật? Câu hỏi xin được chuyển đến Chánh án TANDTC.

Theo Thế Lữ/Báo Thanh tra

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục