Nhiều sai phạm của chủ đầu tư tại dự án sân Golf quốc tế Sóc Sơn?

(Kinhdoanhnet) - Gần đây, người dân có đất bị thu hồi ở Dự án "Khu Vui chơi Giải trí Thể thao – Sân gôn Legend Hill Golf Resort"đã tố hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (thuộc tập đoàn BRG) trong quá trình thực hiện dự án như: thu hồi vượt chỉ giới, tự ý thỏa thuận đơn giá đền bù GPMB đối với diện tích đất nằm ngoài chỉ giới bị thu hồi; ngang nhiên xây dựng tường bao khi chưa hoàn thiện công tác bồi thường, GPMB; nghi vấn hệ thống xả thải của sân Golf...

Chưa bao giờ dự án “Khu Vui chơi Giải trí Thể thao – Sân gôn BRG Legend Hill Golf Resort” lại trở thành tâm điểm đối với người dân ở Hồng Kỳ đến vậy. Có hàng chục hội nghị "Diên Hồng" và hàng loạt lá đơn tố cáo về loạt sai phạm của chính quyền và chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện sân gôn Legend Hill Golf Resort (hay còn gọi là sân Golf quốc tế Sóc Sơn) và Khu dịch vụ bổ trợ được xây dựng.

Nhiều sai phạm của chủ đầu tư tại dự án sân Golf quốc tế Sóc Sơn? - Ảnh 1

Mặc dù chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc lập phương án GPMB, đền bù đối với phần diện tích ngoài chỉ giới thu hồi nhưng chủ đầu tư vẫn tự ý thỏa thuận đền bù với người dân. 

Theo nội dung đơn thư của các hộ dân, năm 2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt việc xây dựng sân Golf quốc tế Sóc Sơn do Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (thuộc tập đoàn BRG) làm chủ đầu tư. Với quy mô khoảng 126,684ha vị trí xây dựng sân Golf quốc tế Sóc Sơn và Khu dịch vụ bổ trợ đặt tại hai xã Hồng Kỳ và Phù Linh. Toàn bộ công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB đối với các hộ gia đình có đất bị thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đứng ra thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, người dân trong vùng đã phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Tại xã Hồng Kỳ đây được xem là nơi "đỉnh điểm" của đơn thư.

Dự án sân Golf quốc tế Sóc Sơn triển khai thực hiện việc đền bù và giải phóng mặt bằng trên đất nông nghiệp thuộc hai thôn 6 và thôn 8. Trong số diện tích nằm trong chỉ giới thực hiện dự án ở hai thôn, hiện tại vẫn còn 3,4ha người dân chưa được đền bù, bồi thường. Mặc dù vậy, ngày 19/11/2014 để đảm bảo cho tiến độ thực hiện dự án sân Golf, chủ đầu tư đã xây tường bao, lấp lối đi lại của bà con vào khu vực sản xuất. Việc "ngăn sông cấm chợ" này khiến người dân phẫn nộ, hàng chục hộ dân bỗng bưng mất đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, canh tác.

Một người dân bức xúc: "Từ trước đến nay, bà con chúng tôi vẫn tiến hành sản xuất ổn định trên phần diện tích đó. Khi công tác GPMB chưa được hoàn tất, chủ đầu tư tự ý chiếm đất của dân bằng cách xây tường bao, bịt lối đi lại của bà con. Phẫn nộ với cách làm của chủ đầu tư, người dân vẫn trèo tường vào sản xuất trên phần diện tích của gia đình mình".

Nhiều sai phạm của chủ đầu tư tại dự án sân Golf quốc tế Sóc Sơn? - Ảnh 2
Người dân men theo con đường để trèo tường vào khu vực sản xuất bên trong sân Golf, hiện tại đã được chủ đầu tư xây tường bao, bịt lối đi lại của bà con vào khu sản xuất.

Cũng theo phản ánh, để duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp trên phần diện tích chưa được đền bù, người dân trong vùng vẫn phải bắc thang, trèo tường vào sản xuất, trong khi sân Golf đã đi vào hoạt động.

Theo đơn thư đã “tố” sai phạm của chủ đầu tư về việc thu hồi vượt chỉ giới đối với phần diện tích nằm ngoài dự án chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Và việc lập phương án, đền bù còn nhiều khuất tất giữa chủ đầu tư và cán bộ thôn đối với phần diện tích vượt chỉ giới này.

Nhiều sai phạm của chủ đầu tư tại dự án sân Golf quốc tế Sóc Sơn? - Ảnh 3
Phối cảnh Dự án Sân gôn BRG Legend Hill Golf Resort đặt tại hai xã Phù Linh và xã Hồng Kỳ

Cụ thể, thửa đất số 1626 ở xứ Đồng Dầm, có diện tích 1.774,8m2, trong đó: 337,4m2 nằm trong chỉ giới dự án sân Golf và 1.437,4m2 nằm ngoài chỉ giới thu hồi. Thửa đất này do Chi hội phụ nữ thôn 8 đứng tên, quản lý và sử dụng ổn định từ năm 1998 đến nay. Trong khi nguyện vọng của người dân, vẫn giữ lại diện tích này đế sản xuất nông nghiệp, nhưng Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội vẫn tự ý đứng ra thỏa thuận đền bù với cán bộ thôn. Tại thông báo số 376/TB - UBND của UBND huyện Sóc Sơn cũng đã chỉ rõ, đối với phần diện tích đất 1.437,4m2 này chủ đầu tư đã lập phương án bồi thường thỏa thuận với dân dựa trên cơ sở phương án bồi thường các thửa đất đã thu hồi trong chỉ giới. Ngày 22/7/2010, chủ đầu tư đã có tờ trình số 2307/CV- 2010 đề nghị UBND thành phố Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn về phương án GPMB, đền bù cho người dân đối với diện tích nằm ngoài chỉ giới thu hồi. Mặc dù chưa được UBND thành phố chấp thuận, chủ đầu tư vẫn tự ý thỏa thuận với dân. Oái oăm hơn, để nhanh chóng có được mặt bằng, chủ đầu tư thỏa thuận số tiền bồi thường cho thửa đất 1626 là 130.803.400 cho ông Lê Hồng Phương, nguyên Trưởng thôn 8, xã Hồng Kỳ.

Cũng theo thông báo số 376/TB-UBND của UBND huyện Sóc Sơn, ngoài số thửa 1626, chủ đầu tư còn thỏa thuận đơn giá bồi thường với 17 thửa đất khác nằm ngoài chỉ giới thu hồi.

Nằm trong dự án sân Golf, còn có hơn 6.000m2 đất nằm trên địa phận thôn 8, được quy hoạch đất giãn dân do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, người dân không được hưởng quyền lợi nào, cũng như không được bố trí khu đất giãn dân khác. Dù chưa hoàn tất công tác đền bù, GPMB nhưng những vị trí này đã được chủ đầu tư xây tường bao quanh.

Trước hàng loạt những sai phạm của chủ đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân trong vùng vô cùng bức xúc. Trong khi các địa phương khác, có dự án đi qua, người dân hồ hởi hưởng quyền lợi lợi chính đáng, bà con ở hai xã Phù Linh, Hồng kỳ lại nơm nớp sống trong lo sợ: sợ đền bù không thỏa đáng, sợ quyền lợi của dân bị "bỏ rơi". Hàng trăm hộ dân nơi đây đang mong chờ câu trả lời thỏa đáng cũng như những quyền lợi chính đáng mà họ đáng được hưởng từ phía chính quyền và chủ đầu tư. 

Phan Hưng - Bảo An

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục