Huyện Đại Từ - Thái Nguyên: Khai thác quặng trái phép “núp bóng” dự án?

(KDPL) - Người dân trên địa bàn xã Phú Lạc (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) phản ánh: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Từ (Công ty Đại Từ) là đơn vị trúng thầu thi công dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Trại Mới và hồ Đầm Vầu tại xã Phú Lạc (dự án do UBND huyện Đại Từ làm chủ đầu tư) nhưng trong quá trình thi công Công ty Đại Từ lại tập trung cho việc khai thác đất sét cao lanh ngoài phạm vi cho phép của dự án.

Thậm chí, trong thời gian gần đây Công ty Đại Từ còn “thỏa thuận” mua lại một số ruộng của dân đề khai thác và phục vụ cho việc khai thác. Quá trình khai thác diễn ra rầm rập suốt ngày đêm, tiếng máy xúc, xe vận chuyển ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường sống và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Quá trình khai thác còn tạo ra nhiều hố sâu, rộng ảnh hưởng tới việc sản xuất canh tác nông nghiệp của người dân.

Huyện Đại Từ - Thái Nguyên: Khai thác quặng trái phép “núp bóng” dự án? - Ảnh 1
Vị trí khai thác cao lanh trái phép theo phản ánh

Qua thông tin tìm hiểu được biết, trong thời gian thực hiện dự án hồ Trại Mới, Công ty Đại Từ đã nhận được văn bản số 3230/QĐ-UBND ngày 01/12/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Quyết định: Cho phép Công ty Đại Từ được tận thu đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực thực hiện Dự án nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới (xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) với khối lượng thu hồi là 15.000m3 và thời gian thực hiện là theo thời gian thực hiện Dự án (đến hết ngày 28/2/2017). Tại quyết định này cũng nêu rõ Công ty Đại Từ có trách nhiệm: Chỉ được hoạt động tận thu khoáng sản đất sét trong phạm vi, diện tích, tọa độ của Dự án nâng cấp, sửa chữa lòng hồ Trại Mới. Hàng tháng phải báo cáo đúng khối lượng khoáng sản đất sét thu hồi được về với Sở TN&MT, UBND huyện Đại Từ và các cơ quan liên quan. Việc quản lý, sử dụng đất sét thu hồi được phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành...

Huyện Đại Từ - Thái Nguyên: Khai thác quặng trái phép “núp bóng” dự án? - Ảnh 2
Cao lanh được chất đống chờ vận chuyển

Quyết định của UBND tỉnh là vậy nhưng dường như Công ty Đại Từ lại dựa vào đó làm “bùa hộ mệnh” cho việc khai thác trái phép ngoài dự án. Điều này không chỉ thể hiện ở thực tế công trình, qua phản ánh của nhân dân, mà ngay cả chính quyền xã Phú Lạc cũng  phải lo lắng về thực trạng khai thác trái phép, tiến độ công trình không đảm bảo cấp nước cho mùa vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Kiên Cường (Chủ tịch UBND xã Phú Lạc) cho biết: Hồ Đầm Đỏ (hồ Trại Mới) có diện tích 3,9ha, theo thiết kế nhà thầu được phép nạo vét phần diện tích 2,5ha (còn 1,4ha là phần diện tích cũng thuộc trong lòng hồ, dân tranh thủ sản xuất/cấy lúa khi nước không ngập). Tuy nhiên, đơn vị thi công đã “thỏa thuận” với dân để khai thác đất sét cao lanh từ phần diện tích này, phần diện tích 2,5ha (cần nạo vét) hiện mới chỉ khơi mương thoát nước, làm khô bùn...

Cũng theo ông Cường, Công ty Đại Từ đã khai thác đất sét cao lanh ngoài phạm vi cho phép của dự án, tiến độ thi công chậm, phương án và biện pháp thi công chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo tưới tiêu cho mùa vụ của nhân dân. Liên quan tới vấn đề này, để làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát; tìm hiểu thông tin về tiến độ dự án, thông tin tới các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời việc khai thác tài nguyên trái phép, ngày 20/12 PV báo KD&PL đã liên hệ làm việc với UBND huyện Đại Từ qua ông Nguyễn Văn Cừ (Chánh văn phòng UBND huyện). Tuy nhiên, sau rất nhiều lần PV liên hệ lại nhưng cho đến nay vẫn không nhận được thông tin làm việc một cách cụ thể từ phía UBND huyện Đại Từ.

Thiết nghĩ, đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, gây thất thoát tài nguyên của Quốc gia vào một nhóm lợi ích. Báo KD&PL kính đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sớm tiếp nhận thông tin, vào cuộc xác minh, đảm bảo an ninh trật tự và xử lý nghiêm những sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nhóm PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục