Hoạt động kinh doanh ở Công ty Xi măng Hà Tiên 1: Lật giở những hợp đồng bất thường

(Kinhdoanhnet) - Trên cương vị Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (từ tháng 6/2010 đến tháng 11/2013), ông Trần Việt Thắng đã điều hành doanh nghiệp này thực hiện những hợp đồng kinh doanh bất thường.

Chọn đối tác theo kiểu không giống ai

Từ thời ông Thắng điều hành cho đến nay, Hà Tiên 1 luôn chọn Công ty dịch vụ hàng hải Anh Phát làm đơn vị vận tải hàng hóa của Công ty trên các tuyến trọng điểm như: Bình Dương, Bình Phước - Sài Gòn; Sài Gòn – Nha Trang. Thậm chí, đến năm 2015, Anh Phát còn kiêm luôn việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ Bắc vào Nam cho Hà Tiên 1.

Hoạt động kinh doanh ở Công ty Xi măng Hà Tiên 1: Lật giở những hợp đồng bất thường - Ảnh 1
Cảng Tuấn An Phú

Sẽ không có gì đáng nói nếu Anh Phát là một đơn vị vận tải uy tín. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Anh Phát là Công ty dịch vụ hàng hải nhưng lại không có… tàu thuyền, bến bãi. Khi nhận được hợp đồng vận tải với Hà Tiên 1, Anh Phát thuê lại các đơn vị khác có thực lực như: Tân Việt Phúc, Hoa Phương Nam, Long Sơn, Nhật Hải Đăng… đứng ra đảm nhiệm.

Tại sao Hà Tiên 1 không trực tiếp kí hợp đồng vận tải với những đơn vị có thực lực để cắt giảm chi phí trung gian mà lại kí hợp đồng với Anh Phát? Nếu biết rằng, ông Đoàn Minh Phú, người đại diện pháp luật của Anh Phát là em vợ của ông Trần Việt Thắng, người ta có thể lờ mờ hình dung được lí do…

Cùng với việc thuê Anh Phát làm đơn vị vận tải, Hà Tiên 1 cũng sử dụng cảng Tuấn An Phú (xã Khánh Bình, Tân Uyên, Bình Dương) làm nơi cung cấp dịch vụ cho mình. Đây là một bến cảng khá bình thường nếu không nói là có phần luộm thuộm. Thậm chí, những người làm dịch vụ vận tải ở Tân Uyên còn cho rằng cảng Tuấn An Phú có “năng lực yếu từ bến bãi, cầu tàu, thiết bị bốc xếp, mớn nước bến tàu nông...”.

Mặc dù vậy, cảng Tuấn An Phú lại đang có hợp đồng béo bở từ Công ty Xi măng Hà Tiên 1 với sản lượng hàng triệu tấn hàng bốc dỡ mỗi năm.

Tiếp xúc với PV, ông Trần Thanh Tú – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh cảng Tuấn An Phú, doanh thu của cảng này 80 – 90% đến từ làm dịch vụ cho Hà Tiên 1. Từ chi tiết này có thể khẳng định, dịch vụ cho Hà Tiên 1 chính là yếu tố mang tính sống còn với sự tồn tại của cảng Tuấn An Phú.

Rõ ràng việc Hà Tiên 1 chọn Tuấn An Phú làm đối tác để thực hiện những hợp đồng béo bở là những lựa chọn ngờ nghệch đến phi lí. Thế nhưng, nếu nhìn từ một góc nhìn ông Trần Việt Vũ, một trong những người quản lí của Tuấn An Phú là anh ruột của ông Trần Việt Thắng người ta sẽ thấy rằng có thể thực tế khác rất xa so với những xét đoán thông thường.

Tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội?

Cũng trong cùng thời gian làm Tổng Giám đốc Hà Tiên 1, ông Trần Việt Thắng đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý vật tư, nguyên liệu dẫn đến tồn bãi, đóng cục như khối bê tông 22 nghìn tấn clinker tại Trạm nghiền Thủ Đức.

Để khắc phục hậu quả, Hà Tiên 1 phải thuê Công ty Minh Long làm dịch vụ khoan, đục, xẻ, đập nhỏ… khối clinker đã “chết”, công việc này đã được tiến hành từ nhiều năm nay. Sau đó, clinker tái chế phải trộn với clinker mới, đem vào nghiền, tăng chất phụ gia bổ trợ trước khi đem vào sản xuất xi măng.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, người trực tiếp điều hành hoạt động phá dỡ, đục, gọt clinker “chết” kể: lúc mới nhận việc, khối clinker lớn đã “chết” của Hà Tiên 1 to như quả núi. Còn ông Đinh Đức Lành, Giám đốc Công ty Minh Long khẳng định rằng: nhiều năm qua, công việc nhiều tới mức, ông Lành không muốn nhận thêm vì “lo làm còn không hết, nhận thêm làm gì?”.

Cho đến nay, Hà Tiên 1 đã phải chi hàng tỉ đồng để khắc phục hậu quả của việc ông Trần Việt Thắng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý vật tư, nguyên liệu để lại. Lạ một điều là, dù vậy, ông Trần Việt Thắng vẫn đang có được bước thăng tiến ngoạn mục để trở thành Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục