Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình bị “tố” lạm quyền?

(Kinhdoanhnet.vn) - Thuê lao động tự do, không có chuyên môn nghiệp vụ vào làm việc khiến lao động tử vong, công nhân nghỉ đi du lịch nhưng vẫn được chấm công, liên tục điều chuyển nhiều vị trí công nhân then chốt làm việc không đúng với chuyên môn, hạ hệ số lương hưởng thụ… là những việc làm được cho là những việc làm thiếu dân chủ của ông Trịnh Xuân Nguyên Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình (số 14, ngõ 192 phố Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) khiến công nhân bức xúc...

Thuê lao động tự do dẫn đến chết người?

Phản ánh đến đường dây nóng của Báo Kinh doanh & Pháp luật, ông Nguyễn Văn Sự, công nhân vận hành bơm thuộc Nhà máy nước Hạ Đình cho biết, nhiều tháng nay ông cùng nhiều công nhân nhà máy bức xúc khi ông Trịnh Xuân Nguyên – Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình có nhiều biểu hiện trù dập cán bộ khi tăng giảm lương, điều động vị trí cán bộ trái với hợp đồng lao động. Hàng loạt bê bối về điều hành, sản xuất trong nhà máy được ông làm đơn tố giác lên Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Theo phản ánh của ông Sự, từ khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình, ông Trịnh Xuân Nguyên có hàng loạt điều hành bất hợp lý, thực hiện sai Luật lao động về thời gian làm việc và công tác tiền lương. Cụ thể, nhiều công nhân liên tục được nhà máy bố trí đi du lịch, dã ngoại nhưng vẫn được chấm công bình thường như những ngày đi làm bình thường còn những công nhân làm bù, trực thay cho số công nhân đi du lịch này lại không được tính thêm giờ và tiền làm thêm giờ. Đặc biệt, nhiều lao động ốm yếu không đảm bảo sức khỏe cũng được yêu cầu phải trực ca, làm việc thay cho số công nhân này.

Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình bị “tố” lạm quyền? - Ảnh 1
Ông Trịnh Xuân Nguyên - Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình

“Nhà máy đã lên kế hoạch, tổ chức cho đoàn thanh niên đi thăm quan dã ngoại tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Vũng Tàu trong 2 ngày 17 và 18/12/2016 đã lâu nhưng sát ngày đi 4 ngày Giám đốc mới thông báo lịch làm việc tăng ca cho hàng loạt công nhân nhiều tuổi. Bản thân tôi vừa đi mổ mắt về, sức khỏe vẫn còn yếu tôi đã báo cáo lên Giám đốc việc không đồng ý trực thay, phải miễn cưỡng lắm anh Nguyên mới cho tôi nghỉ. Điều đáng nói những công nhân đi chơi thì lại được chấm công bình thường còn công nhân ở lại làm thêm giờ lại không được chấm công, tính tiền làm thêm giờ, mà chỉ được bố trí cho nghỉ bù 1 ngày… Điều này vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của Luật lao động”, ông Sự nói.

Theo ông Sự, không chỉ dừng lại ở việc đi TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu, mà trong tháng 12/2015 ông Nguyên còn liên tục tổ chức cho đoàn thanh niên đi dã ngoại tại Sapa (3 ngày 2 đêm); tháng 3/2016 đi chơi ở Hải Phòng (2 ngày 1 đêm); tháng 7/2016 đi du lịch Đà Nẵng (4 ngày 3 đêm)… những ngày đi chơi này công nhân đều được chấm công bình thường. Điều này làm thất thoát tiền ngân sách của Công ty cũng như của Nhà nước…

Không chỉ vậy, giám đốc nhà máy còn chỉ đạo thuê lao động tự do không có chuyên môn, nghiệp vụ vào đại tu công trình, dẫn đến tai nạn lao động nghiêm trọng, khiến 1 lao động chết tại Nhà máy. “Lao động tự do được Nhà máy thuê để nạo vét cống nước là Nguyễn Văn Thập, sinh năm 1957 (ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) lao động này đã tử vong trong quá trình làm việc tại Nhà máy. Lao động chết, nhưng ông Nguyên đã che giấu sự việc, không báo cáo với cơ quan chức năng và cấp trên…”, ông Sự nói.

Cũng theo ông Sự, những bất cập ở nhà máy còn thể hiện ở việc nhà máy điều động, sắp xếp 1 loạt lao động không đúng như hợp đồng đã ký kết. Đơn cử có thể kể đến việc ông Vũ Quyết Thắng - Phó Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình, theo quyết định điều động, bổ nhiệm của Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội ông Thắng tham mưu, giúp việc cho Giám đốc đơn vị điều hành hoạt động sản xuất của các tổ… Song hiện theo chỉ đạo của ông Nguyên, ông Thắng đang đảm nhận nhiệm vụ giám sát nhà trực giếng T3, giám sát công nhân vận hành giếng; hay như trường hợp của ông Nguyễn Đăng Duy theo hợp đồng lao động Duy là nhân viên kỹ thuật nhưng lại bị điều động sang làm trái chuyên môn ở vị trí vệ sinh công nghiệp…

Ngoài ra, việc quyết định tăng giảm hệ số lương sản (hệ số lương được đánh giá theo năng lực hoàn thành công việc của cán bộ - gọi tắt là hi) cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều cán bộ bị nâng, hạ hi một cách bất thình lình gây bức xúc. Đơn cử có thể kể đến việc hạ hi của ông Vũ Quyết Thắng từ 2,58 xuống bằng công nhân vận hành bậc 6 là 1,92; hay như hạ hi của ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Nguyễn Mạnh Hòa là công nhân vận hành bơm từ bậc 6 với hệ số hi là 1,92 xuống thành công nhân bậc 3- 4 là 1,64. Theo ông Sự việc tăng hi được ông Nguyên tăng giảm theo cảm hứng, như việc tăng hệ số hi cho 2 công nhân Lê Quang Minh và Lưu Thị Thập từ công nhân vận hành bậc 4, lên bậc 6. “Trong cuộc họp ngày 4/1/2017, anh Nguyên đưa ra lý do anh Thắng không hoàn thành nhiệm vụ, và quyết định trừ 50% hi của tháng 12/2016. Trừ gì mà nhiều thế, tôi không hiểu họ lấy từ quy định nào, mức phạt này còn vượt cả khung chế tài mà nhà máy đã đặt ra trước đó…”, ông Sự nói.   

Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình bị “tố” lạm quyền? - Ảnh 2
Nhà máy nước Hạ Đình

Lao động chết, Nhà máy có bồi thường

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trịnh Xuân Nguyên - Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình cho biết, việc đoàn thanh niên đi chơi nhưng vẫn chấm công bình thường là có trong quy chế của nhà máy rồi và đã thông báo cho mọi người cả, ông Sự không bao giờ tham gia các chương trình của nhà máy nên hay thắc mắc. Tuy nhiên, khi PV hỏi đây có là quy chế của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội không thì ông Nguyên cho biết đây chỉ là quy chế của nhà máy nước đưa ra và áp dụng.

Xác nhận việc thuê lao động tự do Nguyễn Văn Thập vào làm việc thời vụ trong nhà máy bị tử vong, ông Nguyên cho biết, do hầu hết công nhân viên Nhà máy đều là người già cả sức yếu nên quá trình nạo vét bùn thải ở đường cống trong nhà máy phải thuê lao động tự do ở ngoài vào làm việc thời vụ, những lao động này không được nhà máy ký hợp đồng. Lao động Nguyễn Văn Thập bị tử vong sau khi làm việc xong. “Khoảng 4h30 lao động này làm việc xong đang rửa chân tay thì bị trúng gió, nhà máy đã đưa đi cấp cứu nhưng không được. Lao động chết có xác nhận của đơn vị cấp cứu 115…”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên khẳng định lao động Thập bị chết ngoài giờ làm việc chứ không phải tử vong trong quá trình lao động. Sau khi sự cố xảy ra, Nhà máy cũng đã chi 1 khoản để hỗ trợ cho gia đình lao động tổ chức mai táng.

Theo ông Nguyên, về việc hạ lương ở nhà máy căn cứ vào khả năng hoàn thành công việc của cán bộ nhà máy, không có chuyện trù dập nhân viên. Hàng tháng, Nhà máy tiến hành đánh giá người nào hoàn thành tốt sẽ được nâng hi, còn làm việc yếu kém sẽ giảm hi. Trường hợp, ông Thắng cương vị là Phó Giám đốc Nhà máy nhưng năng lực chuyên môn yếu kém, nhà máy giao nhiều việc nhưng đều không hoàn thành nên bị hạ hi. Còn trường hợp 2 cán bộ được nâng hệ số hi là do có thành tích tốt nên được xét nâng lương hi. Lý giải cho việc điều chuyển vị trí cán bộ, ông Nguyên cho biết, những cán bộ ông Sự phản ánh như ông Thắng, ông Duy… về cơ bản vẫn giữ nguyên vị trí làm việc như hợp đồng, tuy nhiên trong quá trình làm việc những vị trí khác thiếu người nên Nhà máy điều động để tăng cường công việc… Về việc Nhà máy nước Hạ Đình tổ chức cho trông giữ hàng chục xe ô tô mỗi ngày nhưng đến khi đoàn công tác của Nhà máy xuống kiểm tra lại cho giải tán để che giấu, ông Nguyên cho biết việc trông giữ xe là chủ trương của Nhà máy chứ không phải riêng cá nhân ông.

Thiết nghĩ, trước những lùm xùm ở Nhà máy nước Hạ Đình để tránh đơn thư kiện tụng kéo dài Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP. Hà Nội sớm vào cuộc chỉ đạo làm rõ những khúc mắc trên, để người lao động yên tâm sản xuất.

Sau khi ông Sự làm đơn “tố” những hành vi được cho là cửa quyền, trù dập cán bộ của Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình- ông Trịnh Xuân Nguyên, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội đã 2 lần làm việc với ông, thế nhưng khi làm việc lãnh đạo Công ty lại ngỏ ý xin ông rút đơn vì nếu đưa sự việc ra thì đơn vị sẽ mất thành tích thi đua.

Nhóm PV 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục