BIDV Vĩnh Phúc: Thẩm định có vấn đề, hàng tỷ đồng tiền cho vay rơi vào khoản nợ khó đòi?

(Kinhdoanhnet)- Sau khi mượn được GCNQSDĐ của gia đình ông Lê Văn Lực, ông Lê Văn Tròn đã “phù phép” bằng việc lập phương án kinh doanh, hợp đồng thế chấp không đảm bảo để vay vốn tại Ngân hàng BIDV Vĩnh Phúc- Phòng giao dịch Vĩnh Tường.

Theo đơn trình bày cùng các tài liệu kèm theo mà ông Lê Văn Lực (SN 1962), gửi tới báo Kinh doanh & Pháp luật:

Giữa ông Lực và ông Lê Văn Tròn (SN 1961) đều sinh ra và lớn lên tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), hai người là họ hàng, dòng tộc nên khá gần gủi. Chính vì thế, khi ông Tròn ngỏ ý mượn “sổ đỏ” của gia đình ông Lực để làm tài sản đảm bảo khoản vay tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Vĩnh Phúc – Phòng giao dịch Vĩnh Tường. ông Lực đã vui vẻ tạo điều kiện để ông Tròn mượn: Một QSDĐ số AM679721 có tổng diện tích: 161,6 m2, tại tờ bản đồ số 03, thửa số 58A; Một QSDĐ số AM679728  có tổng diện tích 85,6 m2 tại tờ bản đồ số 03, thửa số 154 đều do UBND huyện Vĩnh Tường cấp.

Theo đó, phía Ngân hàng đã phê duyệt và ký hợp đồng tín dụng cho ông Lê Văn Tròn vay hạn mức tín dụng tối đa được duyệt là 2.400.000.000 đ (hai tỷ bốn trăm triệu đồng chẵn).

Sau một thời gian dài, ông Tròn không trả được tiền vay, Ngân hàng đã phải khởi kiện ra tòa nhằm thu hồi tài sản thế chấp. Từ đó hàng loạt những vẫn đề sai sót trong quá trình cho vay được hé lộ. 

Theo ông Lực: “Hợp đồng thế chấp BĐS số 01/2012/HDTC không có giá trị về mặt pháp lý, toàn bộ trang 1,2,4,6,8 đều không có chữ ký của vợ chồng ông bà và đã bị thay đổi. Việc ký hợp đồng do ông Tròn mang về nhà ông nhờ ký mà không hề biết có sự tham gia của Văn phòng công chứng trong bản hợp đồng này”.

 Để minh chứng cho điều này, ông Lực khẳng định gia đình không có yêu cầu công chứng hợp đồng, không có phiếu yêu cầu công chứng, không hề nộp lệ phí công chứng. Ngoài ra, ông Lực yêu cầu Văn phòng công chứng Vĩnh Tường trình phiếu yêu cầu công chứng, biên lai hay phiếu thu lệ phí. Tuy nhiên phía Văn phòng công chứng đã không đưa ra được những tài liệu trên. 

BIDV Vĩnh Phúc: Thẩm định có vấn đề, hàng tỷ đồng tiền cho vay rơi vào khoản nợ khó đòi? - Ảnh 1

Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Vĩnh  Phúc – Văn phòng Vĩnh Tường

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dần – Trưởng văn phòng công chứng Vĩnh Tường thừa nhận sai sót khi không cho các bên ký đầy đủ vào các trang. “Đó chỉ là những sai sót về mặt hành chính, không ảnh hưởng đến bản chất sự việc” ông Dần cho biết.

Còn về phía ông Tròn, để được vay vốn tại Ngân hàng, ông Tròn đã lên phương án kinh doanh thiết bị điện, vật liệu xây dựng và đã được phía Ngân hàng thẩm định. Tuy nhiên, thực tế ông Tròn không hề kinh doanh gì nhưng không hiểu sao, phía Ngân hàng vẫn sẵn sàng “xuống tiền”?

Về phía Ngân hàng, bà Phạm Thị Lệ Cần – Giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Viêt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc chia sẽ: “Ngân hàng chúng tôi thừa nhận những sai sót về mặt nghiệp vụ nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ việc”

Bà cần cũng thừa nhận, hiện Ngân hàng rất khó thu hồi công nợ.

Ngày 09/7/2015 TAND huyện Vĩnh Tường đã tổ chức xét xử công khai vụ án số 15/2014/TLST – KDTM ngày 22/10/2014 về tranh chấp hợp đồng tín dụng. Trong bản án thể hiện “việc công chứng viên không yêu cầu vợ chồng ông ký vào các trang 1,2,4,6,8 trong hợp đồng thế chấp BĐS cũng như các trang 1,2 không có chữ ký của ông Lực, trang 2 không có chữ ký của bà Duyên trong văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp là thiếu sót…….”

Do chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi công chứng hợp đồng thế chấp và văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp, yêu cầu Văn phòng công chứng Vĩnh Tường nghiêm túc "rút kinh nghiệm”.

Ngoài ra, TAND huyện Vĩnh Tường cũng nhận định, gia đình ông Tròn không buôn bán kinh doanh gì và cũng nhình nhận “lẽ ra Ngân hàng phải đình chỉ cho vay và thu hồi nợ trước thời hạn”. Hơn thế nữa, ông Lực cho rằng ông Lê Văn Tròn dùng 01 chứng minh thư hết hạn để ký hợp đồng và còn dùng thêm 01 chứng minh thư khác nữa trong quá trình giao dịch.

BIDV Vĩnh Phúc: Thẩm định có vấn đề, hàng tỷ đồng tiền cho vay rơi vào khoản nợ khó đòi? - Ảnh 2
Trụ sở Văn phòng công chứng Vĩnh Tường

Theo quan điểm của tòa, trước khi cho khách hàng vay tiền lẽ ra cán bộ Ngân hàng phải kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân như CMTND xem còn giá trị không, nhưng Ngân hàng lại không chú ý đến việc này là thiếu sót trong thủ tục hành chính.

Điều khiến gia đình ông Lực bức xúc và không đồng tình là những dấu hiệu sai pham trong quá trình vay vốn của ông Tròn là rất nghiêm trọng, rõ ràng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông, sai phạm quy trình thủ tục cho vay vốn, đến quy định về hoạt động cho vay của Ngân hàng.

Tuy nhiên, TAND huyện Vĩnh Tường không chấp nhận yêu cầu độc lập của các thành viên trong gia đình ông Lực về việc yêu cầu tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng thế chấp BĐS số 01/2012/HĐTC ngày 03/5/2012 và văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp BĐS số 01/2013/VBSĐ ngày 24/6/2013. Hiện tại ông Lực đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm để xem xét lại bản án đồng thời tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.

Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV

Mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của quý độc giả xin vui lòng gọi số: 0904309996 hoặc email: banbandockdpl@gmail.com

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục